Nhiều năm nay, chủ trương cấm đốt pháo đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của xã hội. Ngoài chuyện tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng/năm, người dân còn cảm thấy tết an lành, không sợ bị tai nạn, cháy nổ do pháo gây ra.
Tuy nhiên, dù có chủ trương cấm nhưng Tết Kỷ Sửu vừa qua, nạn đốt pháo vẫn tái diễn một cách công khai ở nhiều địa phương, thậm chí có nơi pháo đốt nhiều hơn cả những năm chưa có lệnh cấm. Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã phê bình lãnh đạo một số tỉnh đã để xảy ra tình trạng này, dư luận cho rằng kỷ cương phép nước vẫn bị xem thường, quản lý nhà nước còn buông lỏng…
Chính vì thế, chuẩn bị cho Tết Canh Dần năm nay, trong vòng chưa đầy một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm, không để tái diễn tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo trái phép trong dịp tết. Thời gian qua các lực lượng chức năng trong cả nước đã phát hiện, thu giữ hàng trăm vụ liên quan đến pháo nổ. Điều đó cho thấy, nguy cơ tái diễn nạn đốt pháo trong dịp tết năm nay vẫn còn khá lớn.
Theo tôi, để ngăn chặn, nếu chỉ trông chờ vào chính quyền, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thì chưa đủ. Để người dân nói không với pháo ngoài tuyên truyền giáo dục, cần vận động hộ dân cam kết không đốt pháo. Người đứng đầu từng khu phố đến chính quyền cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để tái diễn nạn đốt pháo trên địa bàn mình phụ trách. Có như vậy Tết Canh Dần mới không còn tiếng pháo, như mong mỏi của người dân.
Thanh Tùng