Mong manh hạnh phúc gia đình

Ảnh: T.L.
Mong manh hạnh phúc gia đình

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta có thể đọc thấy hàng ngày những bi kịch gia đình xuất hiện với cường độ ngày một nhiều. Gần đây nhất là vụ người mẹ do quá căng thẳng nên đã đầu độc 3 đứa con rồi toan tính tự sát, hay vụ bố giận mẹ nên nhốt con gái vào phòng rồi đốt xe dẫn đến cái chết thảm của cô gái mới hơn 20 tuổi… Sự hội nhập quốc tế cũng đồng thời kéo theo những trào lưu phức tạp đã tham gia quá trình bào mòn và phá hủy cấu trúc văn hóa gia đình mà điển hình là trào lưu “đổi vợ đổi chồng” (swinging) vốn khá phổ biến ở phương Tây.

Tuy rằng swinging mới chỉ xuất hiện ở một số cặp vợ chồng có điều kiện sống trước đây chủ yếu ở nước ngoài, nhưng với việc xuất hiện và gây tranh cãi ở Việt Nam, swinging cũng trở thành một yếu tố tiêu cực cần cảnh báo trong duy trì hạnh phúc gia đình.

Ảnh: T.L.

Ảnh: T.L.

Việc suy giảm cấu trúc gia đình còn được thể hiện ở một hình thức văn hóa đặc thù là quảng cáo. Tại một hội nghị về quảng cáo được tổ chức tại TPHCM đầu năm 2010, các chuyên gia đã minh họa việc quảng cáo phản ánh đời sống xã hội thông qua ví dụ về quảng cáo ở phương Tây, Thái Lan và Việt Nam. Nếu quảng cáo phương Tây lấy tính bất ngờ, ấn tượng làm trọng tâm thì quảng cáo tại Thái Lan lại lấy yếu tố hài hước làm chủ đề, còn ở Việt Nam quảng cáo thường là lấy yếu tố “gia đình đầm ấm” làm nền. Các chuyên gia lý giải rằng, khi cảm thấy thiếu điều gì thì người ta mong muốn bù đắp nhiều nhất cho điều ấy và các sản phẩm liên quan đến hạnh phúc gia đình sẽ có hiệu quả kinh tế tốt hơn khi người mua hy vọng rằng sản phẩm đó sẽ góp phần hỗ trợ cho hạnh phúc gia đình.

Các nghiên cứu xã hội cũng ủng hộ nhận xét của các chuyên gia quảng cáo, điều tra toàn quốc do Vụ Gia đình (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu gia đình và giới Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu gia đình của Australia thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNICEF, đã cho thấy tỷ lệ ly hôn tăng rất cao. Cá biệt tại các TP lớn tỷ lệ ly hôn có khi lên đến 30%-40%, tức là trung bình 3 đến 4 cặp vợ chồng thì có 1 cặp ly hôn. Lý do của tình trạng gia tăng ly hôn được quy chủ yếu do áp lực về kinh tế, khác nhau về lối sống và sự không chung thủy của vợ, chồng do những tác động thiếu lành mạnh bên ngoài xã hội và của sự hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sự rạn nứt gia đình truyền thống ở Việt Nam không phải là cá biệt. Trung Quốc, một đất nước có văn hóa xã hội và sự phát triển tương đồng với Việt Nam cũng đang phải chịu sự rệu rã về hạnh phúc gia đình giống như vậy. Ngay cả tại các quốc gia phát triển trước đây cũng đã gặp phải tình trạng trên khi nền kinh tế, sản xuất biến đổi.

Hội nhập toàn cầu đưa đến việc tiếp nhận những mô hình kinh tế, văn hóa xã hội mới mà không chọn lọc kỹ đã khiến cấu trúc gia đình truyền thống trở nên mong manh. Bảo vệ và củng cố những giá trị nhân văn và đạo đức hiện có, tìm kiếm và xây dựng những mô hình, giá trị văn hóa mới cho gia đình trong điều kiện mới trở thành một vấn đề cấp thiết, nhất là khi gia đình luôn được xem là cột trụ của xã hội hiện nay.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục