1. Theo chỉ dẫn của anh thợ điện tên Trần Phước Hiền, tôi vào Bệnh viện Ung bướu, len lách qua những người nằm ngồi la liệt thì đến được Khoa Nội B. Hỏi thăm “chị Luyến có đứa con bị khùng”, bệnh nhân nào cũng biết và chỉ “Phòng 206 đó chú, tội quá!”. Chị Nguyễn Thị Kim Luyến nằm nghiêng và thở oxy, rất yếu. Có khách đến thăm, chị cũng không ngồi dậy được dù tuần trước còn có thể viết thư. Lưng chị lở loét chảy nước vàng do nằm lâu trên giường.
Mái tóc người mẹ trẻ này đã mọc lên lún phún sau lần cạo sạch. Chị khóc nấc khi ai đó nhắc đến tên con. Tìm hiểu lý do vì đâu không nhập viện sớm, chị Luyến bảo “ở quê nghèo, đi “mần guộng” không đủ tiền nuôi con, nên cam chịu. Nay nặng quá mới nhập viện”.
Hỏi chị thấy trong người thế nào, chị không trả lời mà vẫn khóc nói “sợ chết không ai lo thằng bé”. Rồi chị khép mắt lại, nước mắt vẫn tuôn trào từ khóe mi. Bác sĩ cho biết chị Luyến bị K (ung thư) vú giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn qua xương, da, tử cung, phổi…
2. Năm 24 tuổi, Luyến lập gia đình với một nông dân nghèo. Cả hai cư ngụ tạm thời chung với cha mẹ Luyến ở ấp Tân Thành, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Sự đời tưởng như mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ song nào ngờ, di chứng chất độc da cam/dioxin đã từ họ truyền sang mầm sống trong bụng Luyến. Thai nhi chỉ được phát hiện có mầm bệnh down khi nó sắp ra đời. Luyến cùng cực đau khổ, vợ chồng cắn đắng nhau vì “cơm, áo, gạo, tiền”, vì tương lai đứa bé, vì thuốc men…
Bụng Luyến to lên hàng ngày đồng hành cùng mớ tiền dành dụm dần xẹp xuống. Người chồng đâm ra nghiện rượu rồi bỏ vợ đang mang thai, đi biền biệt. Hỏi đến đây, Luyến khóc tiếp nói: “Em không trách ảnh, khi ấy ảnh còn trẻ quá”. Lại hỏi “Có khi nào chồng chị biết chị bệnh nan y mà quay trở về nhìn nhau, nhìn con?”, Luyến bừng sáng: “Báo đăng mà ảnh quay về nhận mặt con, thì em chết nhắm mắt. Em biết bệnh của em mà!”.
3. Tôi lần mò về căn phòng trọ, nơi đứa bé tội nghiệp bệnh down đang ở trọ cùng cậu. Cậu nó tên Kha, lúi húi nấu cơm đem vào bệnh viện nuôi em gái. Hèn chi khi vào thăm chị Luyến, thấy không có người thân nào bên cạnh. Hỏi anh Kha sao bỏ bệnh nhân một mình, Kha nói đã nghỉ việc mấy tháng nay vừa giữ cháu, vừa nấu cơm, vừa chạy vạy xin xỏ để nuôi em gái nên mỗi ngày chỉ tạt vào 1-2 lần. Còn thì nhờ thân nhân những người bệnh khác trông nom hộ.
Phòng trọ nóng, sát KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TPHCM). Ngoài nồi cơm điện nhỏ và mấy cái chén cũ, cây quạt khô dầu chạy xè xè… thì chẳng gì còn đáng giá để bán. Ngay cả phần cơm anh Kha xúc định đem vào nuôi em, cũng phải bỏ vào hộp nhựa. Mở hộp ra xem, bên trong lèn cứng toàn cơm là cơm, cùng 3 trứng vịt chiên. Khẩu phần ấy dùng cho bệnh nhân ung thư trong 1 ngày!
Đứa nhỏ khóc ngằn ngặt vì nóng. Nó tên Nguyễn Thái Sơn.
Có lẽ nó cũng chẳng bao giờ biết ý nghĩa của cái tên mà mẹ nó đã đặt cho nó. Vì nó không còn cha, thì làm gì biết câu “Công cha như núi Thái Sơn”. Và vì nó sắp mất mẹ, lại bệnh down, nên nào hiểu “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là gì? Nhưng giá như xem được bài báo này, “núi Thái Sơn” sẽ quay về nhìn mặt vợ con lần cuối, để người sắp ra đi không còn nấc nghẹn. Giá như bạn đọc trông thấy cảnh này. Giá như có một tấm lòng nào đó giúp chị những giây phút cuối đời…
Bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Luyến (ảnh), SN 1979, Khoa Nội B, Phòng 206, Bệnh viện Ung bướu TPHCM. ĐT người thân: Anh Kha: 0908361124; anh Hiền: 0907781969. |
MINH ANH