Một căn hộ bán cho nhiều khách hàng

Lợi dụng lòng tin của khách hàng, không ít chủ đầu tư đã liều mạng ký bán cùng một căn hộ cho nhiều khách hàng. Sự bất cập trong xử lý đã dẫn đến người dân mất tiền mà không có nhà ở, còn chủ đầu tư cứ nhởn nhơ.  
Đã bán rồi, bán tiếp
Có nhiều trường hợp nhà đất có tính pháp lý phức tạp, dẫn đến xảy ra tranh chấp. Do vậy, để bảo đảm an toàn, nhiều người dân đã chọn mua căn hộ chung cư làm nhà ở hoặc đầu tư kinh doanh kiếm lời. Những tưởng khách hàng ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, đóng tiền đúng tiến độ là an tâm nhận được căn hộ. Thế nhưng, thực tế lại không như vậy.  
Ngày 13-1-2014, ông Huỳnh Văn Ánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Bình Tân, ký Hợp đồng số 04/2014 bán cho ông Nguyễn Thành N. 10 căn hộ tại khu chung cư Long Phụng Residence (số 31 đường Số 1, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TPHCM), với giá 13 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành N. đã trả 95% giá trị hợp đồng và khi nhận căn hộ đã trả đủ 100% giá trị.
Nhưng sau đó, ông Ánh lại ký các hợp đồng bán những căn hộ đó cho các khách hàng khác: ngày 13-2-2014, ký Hợp đồng số 28/2014 bán căn hộ số 0801 cho bà Phan Thị Phương T. với giá 992 triệu đồng; ngày 14-5-2014, ký hợp đồng số 307/2014 bán các căn hộ số 0801, 0802, 0805, 0806, 0807 cho bà Nguyễn Thị D. với giá 11 tỷ đồng; ngày 21-6-2014 ký hợp đồng số 308/2014 bán căn hộ 0802 cho ông Nguyễn Quang H. với giá 526 triệu đồng.
Cũng với chiêu bán cùng một căn hộ cho nhiều khách hàng, ông Ánh ký hợp đồng số 178/2014 bán cho bà Lý Lệ H. 2 căn hộ số 1201 và 1302, rồi sau đó lại ký tiếp hợp đồng số 385/2014 bán cho bà Nguyễn Thị D… 
Một căn hộ bán cho nhiều khách hàng ảnh 1 Khách hàng giăng băng rôn đòi chủ đầu tư trả căn hộ đã mua ở chung cư Long Phụng Residence 
Đó chỉ là số ít trong nhiều căn hộ ông Huỳnh Văn Ánh đã bán cho nhiều người. Số nạn nhân của việc bán căn hộ bất minh lên đến hàng chục người. Hầu hết những khách hàng mua căn hộ ở chung cư Long Phụng Residence đều đã đóng tiền đúng hợp đồng. Người mua căn hộ không nhận được căn hộ, mà đòi lại tiền cũng gặp khó khăn, do chủ đầu tư luôn tìm cách lẩn tránh.
Tương tự, 150 khách hàng mua căn hộ ở chung cư Gia Phú (số 68 đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) đã hơn 3 năm khốn khổ vì tiền thì đóng theo hợp đồng mà vẫn không có căn hộ - do Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú cũng đem căn hộ bán cho nhiều người.
Như căn hộ số C6-5, ban đầu Công ty Gia Phú ký hợp đồng bán cho bà Lê Thị H., nhưng sau đó lại ký hợp đồng bán cho bà Nguyễn Thị Ngọc H. và tiếp tục ký hợp đồng bán cho ông Đỗ Xuân D. Cả 3 khách hàng đều đã đóng tiền theo đúng quy định trong hợp đồng, nhưng không nhận được căn hộ. Tại khu chung cư Gia Phú, không riêng căn hộ C6-5, mà nhiều căn hộ khác như C1-14, B3-13, C1-5… cũng đã bị bán cho nhiều người.
Xử lý dân sự hay hình sự?
Đối tượng bị thiệt thòi nhất vì hành vi bán một căn hộ cho nhiều người chính là khách hàng, họ không thể nhận căn hộ đúng thời gian theo hợp đồng. Ông Nguyễn Thành N. cho biết: “Khi ký hợp đồng, ông Huỳnh Văn Ánh cam kết giao căn hộ đúng tiến độ, chất lượng bảo đảm. Tiền đã trao đầy đủ mà căn hộ lại không có”.
Nhiều khách hàng mua căn hộ ở chung cư Long Phụng Residence còn cho biết, hệ lụy đối với khách hàng không chỉ không nhận được căn hộ, không lấy lại được tiền mua, mà còn phải mệt mỏi, đau đầu vì tranh chấp với bên bán hàng và cả tranh chấp giữa những người mua căn hộ.  
Đến thời điểm giao căn hộ, khách hàng đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư - bên bán căn hộ thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Nhưng đề nghị của khách hàng không có kết quả, vì chủ đầu đã cố tình chây lỳ không giao căn hộ, cũng không trả lại tiền. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, khách hàng đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ và đưa vụ việc ra tòa án giải quyết. Một số khách hàng mua căn hộ tại chung cư Gia Phú đã được tòa án tuyên thắng kiện, nhưng vẫn trắng tay vì chưa thể thi hành án.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, trong trường hợp một căn hộ được ký bán cho nhiều người là đã có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Điều 139 Bộ luật Hình sự. Đối tượng bán căn hộ đã ký hợp đồng có nội dung và hình thức phù hợp với quy định pháp luật, nhưng vẫn bán tiếp cho người khác khi chưa có bất ký thỏa thuận nào với khách hàng cũ. Đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. 
Tình trạng người dân đi đòi căn hộ mà chủ đầu tư đã bán cho nhiều người ngày một nhiều, kéo dài nhiều năm không được giải quyết dứt điểm, sẽ gây bất ổn cho xã hội. Nên chăng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp mạnh hơn, phải xử lý hình sự đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác.

Tin cùng chuyên mục