Người dân TPHCM hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

Một chặng đường mới

Một chặng đường mới

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, người dân TPHCM đã gửi đến đại hội những tâm tư, nguyện vọng và mong muốn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ mở ra một chặng đường mới, đưa đất nước hội nhập và phát triển.

TPHCM nhìn từ phía Thủ Thiêm. Ảnh: TRỌNG NGHI

TPHCM nhìn từ phía Thủ Thiêm. Ảnh: TRỌNG NGHI

  • Tìm người tài - đức

Không lâu nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ khai mạc. Thời điểm khai mạc đại hội đúng vào tháng đầu năm 2011 mang lại nhiều ý nghĩa. Một chặng đường mới sẽ được mở ra.

Với ý nghĩa ấy, vấn đề nhân sự của đại hội luôn gây sự chú ý cao nhất của người dân. Người dân ở khu phố của tôi, từ bác hưu trí đến anh công nhân, đều bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với cách nói giản dị là làm sao “có người tài đức ra giúp nước”. Đức và tài luôn là tiêu chí cho một người đảng viên cộng sản. Đại hội Đảng là cuộc gặp gỡ chính trị của những người cộng sản tiêu biểu. Nhưng đưa người vào cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, vị trí lèo lái vận mệnh quốc gia, đòi hỏi phải có những người tài - đức cao độ, những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi tin rằng 80 triệu dân và các đại biểu dự Đại hội Đảng luôn nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Đó là niềm tin của dân, là trí tuệ của mỗi đại biểu, bởi lẽ vận nước và vận Đảng là hòa quyện với nhau.

An Nhiên (P.7, Q.8)

  • Đầu tư cho chiến lược phát triển con người

Để Việt Nam vươn cao, vươn xa, hội nhập sâu với quốc tế, người dân kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần XI sẽ tạo bước đột phá mới về cơ chế, chính sách để thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới. Thế giới vừa bước qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế và khả năng phục hồi còn chậm. Vì thế, để bơi ra biển lớn, Việt Nam phải chuẩn bị hành trang, kiến thức hội nhập sâu một cách bài bản, tăng năng lực cạnh tranh. Muốn làm được điều này thì phải tập trung đổi mới giáo dục, đầu tư phát triển nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn hội nhập quốc tế, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, kỹ năng chuyên sâu, biết ngoại ngữ. 

Thời gian qua, tuy đã hội nhập sâu với quốc tế nhưng năng lực cạnh tranh của chúng ta còn yếu và ta chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia - made in Vietnam. Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, rất cần những giải pháp phù hợp đầu tư cho chiến lược phát triển con người - đội ngũ lao động có tay nghề, trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế.

Nguyên Hằng (Q. Tân Bình, TPHCM)

  • Sử dụng và phát huy nguồn lực trẻ

Tôi tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành xã hội học của một trường đại học lớn ở TPHCM nhưng sau khi ra trường, chật vật lắm mới tìm được một chỗ làm ở địa phương. Cầm hồ sơ xin việc với đầy đủ bằng cấp trong tay, đi đến đâu tôi cũng nhận được cái nhìn e dè của người tuyển dụng: “Mới ra trường, biết có làm được gì không?”.

Sau hơn năm tháng “gõ cửa” nhiều nơi tìm việc, cuối cùng tôi cũng được nhận vào làm cán bộ văn thư của Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, UBND tỉnh. Công việc hàng ngày là giải quyết hồ sơ, chứng từ theo sự phân công của cơ quan. Song, điều khó hiểu là hầu hết các cuộc họp bình bầu cán bộ cũng như đánh giá thi đua trong cơ quan, tôi được tham gia rất hạn chế. Dần dần, khát khao cống hiến ở buổi đầu tan biến, tôi làm việc như một cái máy được lập trình sẵn, sếp giao gì làm đó.

Quan điểm “sống lâu lên lão làng”, đánh giá nhân viên chủ yếu dựa vào hoàn cảnh xuất thân, địa vị hay cấp bậc vẫn đang tồn tại ở nhiều cơ quan hành chính nhà nước, trở thành một trong những trở ngại to lớn khiến nhân tài chưa được nhìn nhận đúng mức. Do đó, tôi hy vọng, Đại hội Đảng toàn quốc sẽ đưa ra nhiều quy định đào tạo và sử dụng cán bộ dài hơi, tạo điều kiện cho người trẻ có môi trường và cơ hội được đóng góp sức lực vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Thành Nhân (Cựu SV Trường ĐH Văn Hiến)

Tin cùng chuyên mục