Một chiến dịch thất bại

“Chiến dịch Sophia” được triển khai vào năm 2015 nhằm chống lại hoạt động buôn người ở vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Libya. 
Tàu chở người di cư được cứu trên biển Địa Trung Hải cập cảng Catania thuộc đảo Sicily, Italy ngày 21-3-2017
Tàu chở người di cư được cứu trên biển Địa Trung Hải cập cảng Catania thuộc đảo Sicily, Italy ngày 21-3-2017
Tuy nhiên, theo báo cáo vừa được các nghị sĩ Ủy ban chuyên trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) thuộc Hạ viện Anh công bố, “Chiến dịch Sophia” đã thất bại trong việc ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu qua tuyến đường biển đầy nguy hiểm ngoài khơi Libya. 
Libya vẫn là điểm khởi đầu mà người di cư thuộc khu vực châu Phi cận Sahara lựa chọn để tìm cách tới được châu Âu trên hành trình vượt biển bằng những con thuyền chật chội, cũ kỹ của những kẻ buôn người. Trong 3 năm qua, lực lượng hải quân Italia và châu Âu đã tăng cường tuần tra trên biển, khu vực giáp ranh với các đường lãnh hải Libya.
Theo thống kê, kể từ thời điểm triển khai, với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO), lực lượng hải quân EU đã bắt giữ khoảng 110 kẻ buôn người, ngăn chặn 463 tàu thuyền chở người di cư và giải cứu hơn 38.000 người di cư trên tuyến đường biển Địa Trung Hải. Nhưng hiện nay, lực lượng hải quân của EU trên biển Địa Trung Hải không thể tới vùng biển Libya mà không có lời mời từ phía chính phủ, trong khi đó, Libya lại đang chìm trong bạo lực vì tranh giành quyền lực chính trị ở Tripoli và Benghazi. Với sự thờ ơ của Libya, các lực lượng này không thể vượt qua ranh giới, không thể “tuyên chiến” trực tiếp với bọn buôn người cũng như không thể phá hủy trang thiết bị hoặc tấn công sào huyệt của tội phạm. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, tính đến ngày 6-7, gần 2.300 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích khi cố vượt qua tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới trên biển Địa Trung Hải.
Báo cáo nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chiến dịch này quá tốn kém và không thể ngăn cản người di cư tới châu Âu qua tuyến đường biển chết chóc này. EU chỉ có thể tiếp tục các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên biển bằng tàu phi quân sự, nhưng sẽ không thể ngăn cản được hoạt động buôn người mà không có sự hợp tác của một Chính phủ Libya ổn định. Cách đây 6 tháng, EU đã lập một hội đồng tại Libya với mục tiêu ngăn chặn dòng người trong mùa hè này nhưng đã thất bại. Thậm chí, tháng 10 năm ngoái, EU cũng đã huấn luyện, đào tạo và trang bị cho hàng chục đơn vị tuần tra của Libya để thực hiện nhiệm vụ chặn dòng người di cư. 
Vai trò thực tế của Libya là không thể phủ nhận. EU cũng đang nỗ lực ngăn chặn bọn buôn người tìm kiếm các tuyến đường mới sau thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 ngăn người di cư qua biển Aegean - một nhánh của Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét thực trạng nền kinh tế khó khăn tại những nước châu Phi, tìm hiểu vì sao người dân tại đây phải rời đi, cũng như có thể ngăn cản ý định thực hiện chuyến vượt biển đầy nguy hiểm này như thế nào.
Thách thức liên quan đến làn sóng di cư là vấn đề của cả một thế hệ, khi các cơ quan dự đoán đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng 50%, lên tới 2,5 tỷ người, chiếm 25% dân số trên toàn thế giới. Trong khi đó, lục địa này có rất ít cơ hội tăng trưởng bắt kịp với sự gia tăng dân số. Như vậy, châu Âu tiếp tục đối mặt với viễn cảnh nguy hiểm về làn sóng di cư từ châu Phi khi mà theo thống kê, số người đang chờ để vượt biển vào Italia khoảng 300.000 - 1 triệu người.

Tin cùng chuyên mục