Học bổng Nguyễn Văn Hưởng báo SGGP

Một chương trình mang ý nghĩa xã hội lớn!

Chung sức cùng học bổng Nguyễn Văn Hưởng
Một chương trình mang ý nghĩa xã hội lớn!

Từ nguyện vọng cao đẹp trước khi qua đời của GS-BS Nguyễn Văn Hưởng – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thành lập Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng với mục đích giúp đỡ các sinh viên ngành y dược học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn và các y – bác sĩ khi ra trường về phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. 8 năm qua, đã có gần 300 sinh viên Trường Đại học Y Dược và Trung tâm Đào tạo-Bồi dưỡng cán bộ y tế và 50 bác sĩ vùng sâu, vùng xa được nhận học bổng này. Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng được đánh giá là một trong những chương trình mang ý nghĩa xã hội lớn.

  • Từ tấm lòng của vị cựu Bộ trưởng
Một chương trình mang ý nghĩa xã hội lớn! ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến tặng hoa chúc mừng các sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần 6 năm 2005. Ảnh: MAI HẢI

Nhà báo Nghiêm Minh (Trịnh Thắng) Giám đốc Trung tâm Sự kiện-Dịch vụ-Phát hành Báo SGGP nhớ lại, vào cuối tháng 7-1998, khi hay tin GS-BS Nguyễn Văn Hưởng muốn dành 40 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của mình để lập một quỹ giúp sinh viên ngành y, lúc đó với cương vị Trưởng ban Từ thiện Báo SGGP, ông nhanh chóng kết nối với gia đình cố Bộ trưởng.

Mặc dầu vào những ngày cuối tháng 7-1998, sức khỏe yếu nhưng trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo Báo SGGP, GS-BS Nguyễn Văn Hưởng thật sự vui khi thấy Báo SGGP đứng ra thành lập quỹ để giúp đỡ các em sinh viên ngành y nghèo học giỏi.

Trong buổi gặp đó ông đã tâm sự và căn dặn nhiều điều. Ông nói, đây là số tiền nhỏ nhưng là số tiền dành dụm từ cuộc đời thanh liêm của mình. Để việc giúp đỡ thật ý nghĩa phải chọn đúng đối tượng. Điều ông quan tâm hơn nữa để giúp đỡ được nhiều sinh viên là quỹ phải ổn định về tài chính. Muốn có tài chính thì phải đẩy mạnh tuyên truyền và người làm phải có tấm lòng sáng.

“Điều này đối với báo chí là quá yên tâm rồi!” – nói xong ông nở nụ cười mãn nguyện. Sau buổi gặp đó, việc thành lập Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng được Ban Biên tập báo SGGP gấp rút tiến hành với ước mong vị cựu Bộ trưởng sẽ vui mừng chứng kiến buổi ra mắt quỹ long trọng và đầy ý nghĩa. Tiếc thay, mọi việc không kịp! Ngày 4-8-1998, chỉ vài ngày sau buổi gặp – GS-BS Nguyễn Văn Hưởng đã về cõi vĩnh hằng! Ngày ra mắt quỹ học bổng mang tên ông, mọi thành viên lặng người thầm hứa: từ tấm lòng cao quý của ông, quỹ học bổng nhất định sẽ đem lại nhiều giá trị cho sinh viên ngành y – cho cuộc đời.

  • Đến những tấm lòng!
Một chương trình mang ý nghĩa xã hội lớn! ảnh 2

Ông Dương Trọng Dật - Tổng Biên tập báo SGGP tiếp nhận đóng góp từ gia đình ông Lê Quang Chánh (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) tại lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần 6.

Điều đáng mừng hơn, khi hay tin có một quỹ học bổng mang tên ông để giúp đỡ các sinh viên ngành y học giỏi gặp hoàn cảnh khó khăn, nhiều cá nhân và tổ chức đã nhiệt tình ủng hộ về tinh thần và vật chất.

Ngay sau khi quỹ thành lập, các giáo sư, bác sĩ uy tín đầy tâm huyết như: Viện sĩ BS Dương Quang Trung, GS-BS Nguyễn Khánh Dư, BS Nguyễn Đông A, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng… đã nhận lời tham gia ban quản lý quỹ.

Không chỉ dành thời gian quý giá của mình cho các buổi họp ban quản lý và trao giải, các GS, BS thành viên ban quản lý còn là hạt nhân trong phong trào vận động gây quỹ. Bà Nguyễn Kim Sâm - vợ cố GS Nguyễn Văn Tựu là thành viên ban quản lý quỹ nhưng năm nào cũng “góp chút tiền”, năm thì 500.000 đồng, năm thì 20.000.000 đồng để “góp công chắp cánh những tài năng”.

Nhận thấy tính hiệu quả xã hội của học bổng, nhiều đơn vị “đến hẹn lại lên” năm nào cũng tiếp sức cho chương trình, như BV Chợ Rẫy, BV Phụ sản Từ Dũ, BV Phụ sản Quốc tế, BV Nguyễn Trãi, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115, Công ty Zuellig Pharma… Ngay trong ngày 28-2-2006, ngày họp Ban quản lý quỹ để triển khai trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần VII đã có 11 cá nhân và tổ chức đóng góp cho quỹ trên 110 triệu đồng.

Trong số những tấm lòng hảo tâm đến với quỹ, nhiều người là bạn bè, đồng nghiệp thân thiết với GS-BS Nguyễn Văn Hưởng, nhưng cũng có rất nhiều người chỉ nghe tên ông và thấy chương trình có ý nghĩa nên “thấy bản thân cần phải chung tay”. Có người trước khi “đi xa” căn dặn cháu con đóng góp cho quỹ.

Vào tháng 9-2005, trước khi mất, BS Nguyễn Văn Trong, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Y tế có để lại di chúc tặng 100 triệu đồng cho Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Đây là phần dành dụm từ tiền lương mà Tổ chức Y tế thế giới trả cho ông trong thời gian ông làm chuyên viên cho tổ chức này tại Thụy Điển. Chính nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều cá nhân và tổ chức nên đến nay quỹ đã có trên 700 triệu đồng.

  • Góp phần chắp cánh những tài năng

Hơn 8 năm qua, ngoài vận động đóng góp xây dựng quỹ ngày một lớn mạnh, Ban quản lý quỹ đã sử dụng quỹ một cách hiệu quả. Hàng năm, việc bình xét trao học bổng được triển khai khẩn trương, chặt chẽ. Quỹ không chỉ phát triển về quy mô tài chính mà còn luôn mở rộng diện và tăng các giá trị của giải.

Từ học bổng dành cho sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trung tâm Đào tạo-Bồi dưỡng cán bộ y tế, vài năm gần đây quỹ còn xét tặng các bác sĩ vùng sâu, vùng xa. Học bổng lần VII triển khai thêm đối tượng mới – trao 5 suất học bổng cho nữ hộ sinh thôn bản. Đối với học bổng của sinh viên, từ giá trị 1 triệu đồng/suất, nay đã lên 3 triệu đồng.

Đối với BS vùng sâu, vùng xa từ mức 2 triệu đồng/suất thì năm 2006 sẽ được nâng lên 5 triệu đồng/suất… 8 năm qua đã có gần 300 sinh viên và 50 bác sĩ được nhận giải. Gần 200 sinh viên nhận giải thưởng đã ra trường và trở thành những bác sĩ giỏi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. 50 bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục vượt khó, bám trụ các trạm y tế để hoàn thành tốt công tác của mình…

LAM HỒNG 

Chung sức cùng học bổng Nguyễn Văn Hưởng

Ngày 28-2, Ban Quản lý Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã tổ chức họp bàn về việc phát triển, đẩy mạnh quỹ và xét trao học bổng lần VII-2006. Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu ra.

Viện sĩ, BS DƯƠNG Quang Trung (Nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM): Vận động các sinh viên đã nhận học bổng tiếp sức cùng chương trình

Ngoài việc theo dõi các sinh viên, BS nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng, Ban tổ chức nên vận động các sinh viên và BS đã nhận học bổng tiếp sức cùng chương trình. Việc tiếp sức này có thể đóng góp bằng tiền hoặc vận động các cá nhân tổ chức cùng đóng góp cho học bổng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cuộc vận động đóng góp quỹ bằng nhiều hình thức khác. Để thuận tiện cho việc vận động, Ban tổ chức nên có bản thông tin nội bộ nhằm tuyên truyền cho học bổng.

Bà Trần Bạch Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty Zuellig Pharma): Thành lập câu lạc bộ học bổng Nguyễn Văn Hưởng

Nên thu thập đầy đủ tư liệu về các sinh viên đã từng nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng từ lần đầu tiên (năm1998) đến nay (hình ảnh, tư liệu, nội dung chương trình thực hiện…). Thành lập câu lạc bộ học bổng Nguyễn Văn Hưởng và thông qua câu lạch bộ này thành lập website để các bạn sinh viên đã nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng trao đổi thông tin cho nhau và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

GS.BS. Nguyễn Khánh Dư (Chủ tịch Hội phẫu thuật lồng ngực – tim mạch TP Hồ Chí Minh): Cần phải có kỷ niệm chương để tặng các nhà tài trợ, các sinh viên nhận học bổng

Thời gian qua, Ban tổ chức đã có nhiều hình thức ghi nhận sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, để quỹ phát triển hơn cần phải chú trọng công tác này. Ngoài thư cảm ơn nên tặng kỷ niệm chương cho các đơn vị và cá nhân có đóng góp cho quỹ. Đối với những sinh viên, BS nhận học bổng, ngoài phần học bổng cần phải có giấy khen, bằng khen.

VIỆT NGA thực hiện

Tin cùng chuyên mục