Tại Diễn đàn các đối tác sức khỏe phụ nữ và trẻ em do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ở Nam Phi mới đây, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang đi đầu trong lộ trình thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe phụ nữ và trẻ em.
Diễn đàn đã nêu cao các mục tiêu tăng cường nỗ lực trên toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cụ thể: giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; giảm tử vong bà mẹ và tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Đến năm 2015, các quốc gia trên thế giới phải nỗ lực hết mình mới có thể đạt được các mục tiêu trên do Liên hiệp quốc đưa ra mà các quốc gia thành viên đã cam kết thực hiện.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, các yếu tố thành công trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Việt Nam đã được trình bày với nội dung “Bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia đã thành công trong việc thúc đẩy tiến độ giảm tử vong bà mẹ và trẻ em”.
Việt Nam được đánh giá cao do đạt thành công khích lệ vì trong 20 năm, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm hơn 3 lần (từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 61,9/100.000 vào năm 2013); tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 2 lần (từ 59/1.000 trẻ đẻ sống xuống còn 23/1.000 vào năm 2013); tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44.4/1.000 xuống còn 15.3/1.000 vào năm 2013; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 41% xuống còn 15,3% vào năm 2013 (mục tiêu trước thời hạn)…
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh những yếu tố thành công là sự ủng hộ của các cấp, các ngành và sự hợp tác tích cực của các tổ chức quốc tế cũng như xây dựng mạng lưới y tế và nhân viên y tế đến tận thôn, bản như Chiến lược về sức khỏe sinh sản và dân số giai đoạn 2010 - 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010 và 2011 - 2020.
Trong thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường hệ thống y tế, tập trung vào tăng cường chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở, lồng ghép các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu với các mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bao gồm chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở cộng đồng, theo dõi cân nặng trẻ em, phòng chống thiếu vi chất, tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ, cung cấp gói đẻ sạch tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa… Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam được coi là quốc gia điển hình để chia sẻ kinh nghiệm thành công với các quốc gia khác.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam và các quốc gia khác vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự khác biệt giữa các vùng miền, nhóm dân cư, một số chỉ tiêu có tốc độ giảm rõ rệt nên cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu vào năm 2015. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác đa ngành hiệu quả chặt chẽ mới có thể đạt được các mục tiêu và duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
LÂM TƯỜNG