Một cuộc chuyển giao

Khi ngày trao giải Quả bóng vàng Việt Nam đang đến gần, bóng đá Việt Nam cũng có một cột mốc đáng chú ý khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công bố HLV 67 tuổi người Pháp Philippe Troussier sẽ cầm quân các đội tuyển quốc gia và U23.
Các tuyển thủ U23 Việt Nam vẫn thể hiện được đẳng cấp ở sân chơi SEA Games. Ảnh: P.MINH
Các tuyển thủ U23 Việt Nam vẫn thể hiện được đẳng cấp ở sân chơi SEA Games. Ảnh: P.MINH

1. Năm 2017, khi ông Park Hang-seo có mặt ở Hà Nội để ký hợp đồng và sau đó ra sân Mỹ Đình để xem trận đội tuyển đá với Afghanistan ở vòng loại Asian Cup, bầu không khí khá trầm lắng. Mối quan tâm dành cho HLV người Hàn Quốc có biệt danh “Ngài ngủ gật” cũng khá thận trọng.

Không phải vì ông Park không có tiếng tăm, mà lúc đó bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn gần như không biết phải làm gì. Thế nên mới có chuyện, lời hứa duy nhất của HLV Park Hang-seo là đưa Việt Nam vào tốp 100 - mục tiêu chỉ mang ý nghĩa tinh thần.

Có sự khác biệt rất lớn trong cách bóng đá Việt Nam chào đón ông Philippe Troussier. Háo hức, kỳ vọng và có nhiều mơ mộng. Không hẳn vì bản lý lịch của ông Troussier đồ sộ, cũng không phải vì công chúng “quên nhanh” ông Park Hang-seo, mà lý do chính là sự vững vàng của thế hệ tài năng hiện nay.

Cuộc chuyển giao giữa ông Park và ông Troussier mang theo nhiều tham vọng, hoàn toàn khác so với hồi cuối năm 1997, khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức từ tháng 6 nhưng ghế thuyền trưởng lại trống hơn 3 tháng.

Cuộc chuyển giao hiện tại cũng có những điểm đáng chờ đợi, vì khởi đầu của ông Troussier cũng từ đội U23 tại SEA Games, sau đó là Asiad rồi mới đến đội tuyển quốc gia tại Asian Cup. Ông Park Hang-seo từng tạo một lứa cầu thủ, để sau đó họ trở thành trụ cột quốc gia, nên ít nhiều người hâm mộ cũng chờ đợi ông Troussier làm điều tương tự. Nếu thành công, sẽ có một cuộc chuyển giao không nhỏ về nhân sự tại đội tuyển.

2. Danh sách tốp 5 của giải thưởng Quả bóng vàng năm nay cũng đã thấy dấu hiệu của cuộc chuyển giao ấy. Bộ đôi Đỗ Hùng Dũng - Nguyễn Văn Quyết đã 30-32 tuổi, trong khi Hoàng Đức và Tiến Linh 25-26.

Cầu thủ Văn Quyết được xem là một trong những sự chuyển giao hoàn hảo của bóng đá Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cầu thủ Văn Quyết được xem là một trong những sự chuyển giao hoàn hảo của bóng đá Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trên lý thuyết, với một HLV có thời gian dài làm việc với bóng đá trẻ Việt Nam như ông Troussier, cơ hội lên tuyển của Văn Quyết hay Hùng Dũng không lớn. Nghĩa là khả năng sở hữu Quả bóng vàng của họ ở các năm kế tiếp cũng sẽ ít đi. Nếu một trong hai người đoạt Quả bóng vàng 2022, đó sẽ là cái kết tuyệt vời cho 2 danh thủ này.

Bóng đá Việt Nam đang cần một “dòng máu trẻ” mới, cho những tham vọng lớn hơn, nhất là giấc mơ World Cup. Trong 10 kỳ trao giải Quả bóng vàng gần nhất, những cầu thủ giàu kinh nghiệm chiếm ưu thế, ngoài Quang Hải (2018) và Hoàng Đức (2021).

Thực tế, các lứa U23 gần đây đều chưa có những nhân vật xuất sắc như thế hệ dự U20 World Cup năm 2017. Bóng đá Việt Nam có thể đang gặp vấn đề ở khâu đào tạo, hoặc cầu thủ trẻ có quá ít “đất dụng võ”.

Trong lịch sử Quả bóng vàng Việt Nam, những cầu thủ trẻ từng đoạt danh vị này sau đó thể hiện được tài năng của mình, xứng đáng với sự bầu chọn từ các lá phiếu.

Đó là Lê Công Vinh, Phạm Thành Lương hay Nguyễn Quang Hải. Ngay như Phạm Văn Quyến (Quả bóng vàng 2003) dù có giai đoạn phải nghỉ thi đấu vì vướng tiêu cực, nhưng khi trở lại sau án kỷ luật vẫn có được sự xuất sắc về chuyên môn. Nói cách khác, cầu thủ đoạt Quả bóng vàng càng trẻ càng tốt cho bóng đá Việt Nam.

3. Đến giờ, chưa biết ai đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2022, nhưng nếu nhìn vào danh sách tốp 5, chúng ta sẽ thấy có một sự rải đều về độ tuổi, từ 24 đến 31. Điều này có nghĩa, dòng chảy tài năng của bóng đá Việt vẫn ổn định. Tre chưa già, măng đã mọc.

Tiến Linh (số 9) lọt vào tốp 5 Quả bóng vàng ở tuổi 26. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tiến Linh (số 9) lọt vào tốp 5 Quả bóng vàng ở tuổi 26. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cách đây 20 năm, giải thưởng Quả bóng vàng 2002 được trao cho 3 cầu thủ trên dưới 30 tuổi, rồi sau đó một năm, lại toàn những cầu thủ U23. Năm 2012 cũng vậy, những người trong tốp 3 đều nhiều tuổi. Đó là những thời điểm bóng đá Việt Nam có sự đứt gãy về thế hệ, mất phương hướng về phát triển, thiếu chiến lược đào tạo đúng đắn và chuyên nghiệp.

Điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Từ cuộc chuyển giao trên ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia đến sự phong phú danh thủ trong 5 kỳ trao giải Quả bóng vàng gần đây cho thấy tầm nhìn World Cup của bóng đá Việt Nam đủ cơ sở trở thành hiện thực khi có cả sự tiếp nối tham vọng lẫn con người.

Tin cùng chuyên mục