Một đời người, một cuốn sách

Một đời người, một cuốn sách

Bìa sách toàn màu tím Huế, con đò Huế, nhành dạ lý hương âm thầm tỏa hương dưới ánh trăng… Ấy là “Huế ngày ấy”- tiểu thuyết của Lê Khánh Căn (NXB Quân đội Nhân dân) viết về cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên - Huế, từ tháng 8-1945 đến 1948…

Một đời người, một cuốn sách ảnh 1

Lê Khánh Căn là nhà báo mẫn cán, mẫn cảm và mẫn tiệp. Ông có trí nhớ đáng nể và là “từ điển sống” về nhiều lĩnh vực của cánh phóng viên, biên tập trẻ ở báo Nhân Dân và Đài phát thanh Giải Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam (TPHCM).

Là học trò, đồng nghiệp của ông, chúng tôi biết ông là nhà báo có kiến thức sâu rộng về văn hóa văn nghệ, nhưng lại không ngờ ông còn là nhà văn khi được đọc tiểu thuyết của ông sau gần 20 năm ông qua đời.

Một phần do sự quý trọng, một phần vì đọc sách mới của người đã đi xa, phần khác nữa cũng vì đòi hỏi, nhu cầu về những sáng tác của đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang… chúng tôi đã đọc “Huế ngày ấy” với sự tìm kiếm, say mê. 

Gần 700 trang sách với gần 300 nhân vật có tên, lôi cuốn người đọc trở về với Huế những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám sôi động và bi tráng. Có thể nói, đây là một trong những tiểu thuyết đồ sộ viết về phong trào cách mạng ở Huế nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.

Đọc tiểu thuyết Lê Khánh Căn, gợi nhớ tới những nhà văn lớn viết về đề tài này, trong đó có Hăng-ri Bac-buyt… Cuộc sống và con người là tấm gương phẳng, những tâm tình nặng sâu nổi trội. Người đọc thực sự bị cuốn hút bởi những phân tích tinh tế nội tâm nhân vật thuộc tầng lớp trí thức và thị dân trong cách mạng.

Văn chương Việt Nam hiện đại đang khởi sắc, không chỉ là sự thành công của những nhà văn chuyên nghiệp, những cây viết trẻ, cây viết nữ… mà còn xuất hiện những tác phẩm có giá trị của những nhà văn tuy nhiều tuổi mới có tác phẩm đầu tay. Những trường hợp như Nguyễn Xuân Khánh, Mạc Can… và Lê Khánh Căn là hiện tượng rất đáng trân trọng, nhất là khi chúng ta đang cần những sáng tác về đề tài lịch sử, trong đó có mảng sách về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang.

Với trình độ nghiệp vụ, am hiểu nghệ thuật, học vấn, vốn sống và tâm huyết của một người như Lê Khánh Căn, chúng ta có quyền nghĩ ông sẽ viết rất nhiều, nhưng cả một đời người, Lê Khánh Căn chỉ sáng tác một tiểu thuyết. Có nghĩa là, ông chỉ viết những gì mình tâm huyết nhất, yêu thích nhất. Ông thủy chung với tình yêu Huế và ông viết tiểu thuyết “Huế ngày ấy” cho Huế hôm nay!

Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang là một yêu cầu của xã hội, nhưng viết để trở thành một tác phẩm văn học có giá trị, không dễ. Nhiều nhà văn đã từng nhận xét rằng, chúng ta viết chưa hay, chưa hấp dẫn về đề tài này. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có bản lĩnh, tài năng và phương pháp tiếp cận của từng nhà văn chúng ta.

Lê Khánh Căn viết “Huế ngày ấy” khoảng 20 năm sau hòa bình. Ông viết bằng vốn thời gian nghỉ trưa khi làm báo, hay những đêm thức trắng. Ông viết như một lời tâm sự hôm nay về chiến tranh hôm qua, về trách nhiệm công dân, về thái độ một người cầm bút. Có cảm giác như, ông viết mà không hề bị áp lực nào chi phối.

Văn chương của ông thanh thoát, tự nhiên, sâu lắng, chứa chan tình người… và rất bài bản, chừng mực với nhiều tình tiết chân thực và cảm động. Viết về Huế nhưng Lê Khánh Căn không câu nệ trong việc dùng địa phương ngữ. Chỉ những khi viết về người mẹ già, Lê Khánh Căn mới dùng “mô, tê, răng rứa…”.

Có thể nói, “Huế ngày ấy” là một bản anh hùng ca bi tráng đậm chất Huế về nhiều phương diện.

Sa Nam

Tin cùng chuyên mục