Một góc yên bình

Trước đây, Công viên 26A đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM) là chợ Nancy. Năm 2007, UBND quận 1 giải tỏa chợ này, khu vực chân cầu Nguyễn Văn Cừ trở thành một bãi hoang tàn.
Các bé trong tổ bảo vệ Kim Đồng dọn vệ sinh trong công viên
Các bé trong tổ bảo vệ Kim Đồng dọn vệ sinh trong công viên
 Sau 10 năm là nơi ô nhiễm và tệ nạn, từ ngày 30-4-2016, nơi đây được chỉnh trang thành một công viên khang trang - nơi bà con khu phố 6 tập thể dục, trẻ em tìm tới đọc sách.
Biến điểm đen thành công viên
Bà Lê Thị Ngà, Phó ban Bảo vệ dân phố phường Cầu Kho, kể: “Ngày ấy, khi TPHCM xây cầu Nguyễn Văn Cừ và mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ, phải giải tỏa chợ Nancy vì nằm ở dốc cầu, gây ùn tắc và không phù hợp mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, khi UBND quận 1 giải tỏa chợ này, có hơn chục hộ dân không chịu rời đi, cả khuôn viên này phải quây tôn lại để chống tái chiếm dụng. Thế nhưng, thời gian sau, nơi đây trở thành điểm đen tệ nạn, các đối tượng buôn bán ma túy tụ tập hút chích”.
Bà Châu Phụng Chi, Chủ tịch UBND phường Cầu Kho, người đã rất tâm huyết với việc xây dựng công viên này, cho biết: “Ngày tôi mới về nhận công tác thì khu này nhếch nhác lắm. Cư dân đã nhiều lần kiến nghị xây dựng công viên. Nhận thấy nguyện vọng của người dân là chính đáng, hơn nữa địa bàn phường Cầu Kho cũng không có mảng xanh nào, trong khi có bãi đất trống lại để thành nơi ô nhiễm và tệ nạn như vậy, vừa lãng phí vừa mất trật tự và mỹ quan đô thị, Đảng ủy, UBND phường Cầu Kho đã kiến nghị với quận 1 và được lãnh đạo quận hỗ trợ rất nhiều. Chỉ sau hơn 2 tháng, công viên được hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Mỗi ngày đều ra tập thể dục tại công viên, ông Trần Văn Hòa (ngụ hẻm 53 Nguyễn Văn Cừ) nói: “Trước đây, chúng tôi ngại đi qua khu vực này vì toàn rác thải và là nơi người nghiện ma túy tụ tập. Từ khi nơi đây thành công viên, ngày nào sáng chiều vợ chồng tôi cũng ra tập thể dục. Công viên đã trở thành sợi dây liên kết người dân khi chủ nhật hàng tuần, người già, người trẻ và các em thiếu nhi đều tập trung quét dọn, chăm chút từng gốc cây, lau từng chiếc ghế, cột đèn để công viên luôn sạch sẽ”. 
Ươm những mầm xanh
Trước khi xây dựng công viên, tại đây có những đứa trẻ học hành dang dở, hàng ngày đến tụ tập bán vé số rồi lên cầu ném “bom nước” xuống người đi đường, đêm lùng sục khắp ngõ ngách để bấm chuông, ném đá vào cửa từng nhà để chọc phá người dân. Cô Ngà kể: “Tụi nhỏ quậy lắm, người dân gặp là la mắng. Càng bị la mắng, tụi nhỏ càng quậy. Tôi thấy thế nên gom tụi nhỏ quậy phá ấy lại, thành lập tổ bảo vệ Kim Đồng vào năm 2011, ban đầu chỉ có 4 cháu quậy nhất, sau số lượng thành viên nhí tăng dần lên 8 cháu, 10 cháu, rồi 20 cháu… Trong đó có cả những bé ngoan ngoãn trong khu phố cùng tham gia”. 
Mỗi tối theo cô Ngà đi trực, các em lại được học những điều hay, dần dần tính cách các em thay đổi hẳn, biết nghe lời, không chọc phá mọi người. Thời gian đầu, cô Ngà nhờ các anh chị ở phường xin cho các em đi rửa xe để kiếm tiền trang trải sinh hoạt thay cho việc lang thang đi bán vé số. Nhiều đứa trẻ muốn được đi học lại, cô liên hệ và gửi vào lớp học bổ túc hoặc đi học nghề. Nay căn phòng trực của Ban Bảo vệ dân phố trong công viên chỉ rộng vài mét vuông, nhưng các cô chú vẫn chừa một góc để làm thư viện cho các em. Mỗi tối công viên lên đèn, các em nhỏ lại tập trung lại để đọc sách, đóng kịch hay ca hát. Nhiều gia đình thấy vậy cũng gửi con em vào sinh hoạt.
Trưởng thành từ tổ bảo vệ Kim Đồng, Trần Gia Huy, 19 tuổi, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Đồng Nai. Gia đình khó khăn, học hết lớp 9 Huy phải nghỉ học. Huy tâm sự: “Năm 2011 em được cô Ngà cho vào tổ bảo vệ Kim Đồng, khi ấy em lớn tuổi nhất và cứng đầu nhất, vậy là cô giao cho em làm tổ trưởng. Thường xuyên dẫn các bạn đi trực, em thấy mình có trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn và không còn chọc phá mọi người như trước. Nhờ những ngày ấy mới có em của ngày hôm nay”. Sau 2 năm tham gia tổ bảo vệ Kim Đồng, Huy được cô Ngà xin cho đi học bổ túc để hoàn thành việc học phổ thông. Trước khi lên đường nhập ngũ, Huy là Phó Bí thư Đoàn khu phố 6, phường Cầu Kho. Còn em Nguyễn Thanh Nguyệt, 18 tuổi, tham gia tổ bảo vệ Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập. Học hết lớp 12, Nguyệt được các cô chú ở Ban Bảo vệ dân phố xin cho đi học nghề tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP. Hiện Nguyệt đã có việc làm ổn định tại một khách sạn ở quận 1 .

Tin cùng chuyên mục