Một năm Taliban trở lại nắm quyền Afghanistan: Nội bộ chia rẽ, đói nghèo cùng cực

Ngày 15-8 đánh dấu 1 năm ngày lực lượng Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ chính quyền thân Mỹ. Tuy nhiên, lời cam kết xây dựng một đất nước Afghanistan mới của Taliban vẫn chưa thành hiện thực. 
Các bé gái đến học chữ tại một đền thờ ở ngoại ô Kabul, sau khi Taliban ban hành lệnh cấm nữ sinh lớp 6 trở lên đến trường
Các bé gái đến học chữ tại một đền thờ ở ngoại ô Kabul, sau khi Taliban ban hành lệnh cấm nữ sinh lớp 6 trở lên đến trường

Mối nguy từ an ninh 

Lúc nắm chính quyền, lực lượng Taliban khẳng định sẽ thực hiện chính sách cải tiến hơn so với cách đây 20 năm - giai đoạn cầm quyền đầu tiên từ năm 1996 đến tháng 10-2001. 

Trước tiên là lời cam kết đảm bảo an ninh của Taliban. Trong 1 năm qua, số vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan có xu hướng giảm, nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu vào cộng đồng tín đồ Hồi giáo Shiite chiếm gần 20% dân số Afghanistan. 

Chưa kể, từ khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan rơi vào tình cảnh bị quốc tế cô lập. Đến nay chưa có quốc gia nào công nhận chính quyền của Taliban là hợp pháp. Trong khi đó, Taliban đã bỏ qua cả áp lực trong nước và quốc tế về việc thành lập một chính phủ toàn diện. Chính quyền mới không chấp nhận nhiều điều kiện mà bên ngoài đưa ra, xem đây là cách mà một số bên muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan. Ngay trong chính nội bộ Taliban cũng bị chia rẽ. Một số cuộc đụng độ có hệ thống đã xảy ra giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ nhóm về quyền lãnh đạo và sự hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Mới đây, Mỹ đã lên án hành động dung dưỡng cho trùm khủng bố al-Qaeda Ayman al-Zawahihi của Taliban. Khi ký kết với Mỹ thỏa thuận hòa bình tại Qatar hồi tháng 2-2020, Taliban cam kết không để lãnh thổ Afghanisan là nơi chứa chấp khủng bố. Đây là điều kiện để Mỹ rút toàn bộ binh lính khỏi lãnh thổ nước này. Trong các tuyên bố của mình, Taliban luôn nhắc lại điều này và đòi hỏi sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Nhưng vào ngày 31-7, vụ không kích do quân đội Mỹ thực hiện đã phơi bày sự thật là Ayman al-Zawahihi đang cư trú ở giữa vùng Xanh ở thủ đô Kabul.

Thảm họa nhân đạo 

 Afghanistan còn phải đối diện với một nền kinh tế bên bờ sụp đổ. Đồng nội tệ của Afghanistan mất giá, rớt xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Giá nhiên liệu, lương thực đã tăng 75%. Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trong 2 năm qua khiến sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. 

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc cho biết, 97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực và ngày càng nhiều người đang sống dưới mức nghèo đói mỗi ngày. Hơn 1,1 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong khi nhiều dịch bệnh khẩn cấp như Covid-19, bệnh sởi, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết bùng phát cùng lúc. 

Hàng triệu người Afghanistan không có việc làm và tài khoản ngân hàng của họ bị đóng băng. Nhiều người phải bán tài sản cá nhân để mua thực phẩm, các cộng đồng thành thị lần đầu tiên phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ tương tự như các khu vực nông thôn.

Trong khi đó, chính quyền Taliban lại không thể sử dụng các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương nước này gửi ở nước ngoài cho tình huống khẩn cấp hiện nay. Các nước phương Tây cùng các thể chế cho vay quốc tế cũng đã đình chỉ, tạm dừng nhiều khoản vay, khoản viện trợ cho Afghanistan. Liên hiệp quốc phải lên tiếng kêu gọi 4,4 tỷ USD viện trợ để giúp Afghanistan ngăn chặn “cuộc khủng hoảng nhân đạo” nghiêm trọng nhất hiện nay. 

Ngoài ra, các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là quyền phụ nữ và trẻ em gái, cùng các nhóm sắc tộc thiểu số đang ngày một xấu đi. Một năm qua, Taliban nhiều lần thất hứa với người dân Afghanistan xung quanh câu chuyện mở cửa trường học cho tất cả nữ sinh. Nữ sinh trên 12 tuổi chưa được phép đến trường học.

Tin cùng chuyên mục