Chuyện làng phủi

Một ngày với giải phủi số 1 Sài Gòn

Giải phủi số 1 Hà Nội (Hà Nội Premier League) đã bước sang tuổi thứ 6, vẫn phát triển đầy tươi tắn. Giải phủi số 1 Sài Gòn (Sài Gòn Premier League) mới chỉ ra đời vỏn vẹn… 1 ngày, nhưng cũng đã mang trên mình một khát vọng lớn lao, và hứa hẹn sẽ vươn vai lớn nhanh như Thánh Gióng trong làng phủi Việt Nam.

Cựu tuyển thủ Ngọc Thanh tung hoành trên sân phủi
Cựu tuyển thủ Ngọc Thanh tung hoành trên sân phủi

Bầu không khí tuyệt vời

Sân đấu nằm trong khuôn viên trường Đại học Tôn Đức Thắng chật kín khán giả, bất chấp cái nóng oi bức của một buổi chiều tháng 11 tại Sài Gòn. Cả 2 khu vực khán đài A và B đều không còn một chỗ ngồi, tất nhiên, chỗ đứng vẫn còn đó nếu… các bạn khán giả chịu khó và không bị mỏi chân.

Trong khi đó, khu vực hành lang ngăn giữa Hội trường và sân bóng lố nhố bóng dáng của cả trăm sinh viên “tiện thể dừng chân” để theo dõi các trận đấu hấp dẫn, khiến các bảo vệ toát mồ hôi hột trong việc giữ trật tự, an ninh.

Một ngày với giải phủi số 1 Sài Gòn ảnh 1 Sân đấu chật kín khản giả, nhiều người là sinh viên (Ảnh Dũng Phương)
Có bạn sinh viên nói, phải ngồi trên khán đài vì yêu cầu điểm danh của nhà trường, nhưng với vẻ mặt theo dõi say mê, những tình huống la hét – cười nói – ăn mừng đầy kích động của nhiều bạn sinh viên khi chứng kiến những pha bóng ngoạn mục và kịch tính, ai nói đó là “những khán giả bất đắc dĩ”?

Riêng tôi, “một chuyên gia cúp cua và trốn điểm danh khi còn học Đại học”, nếu bị bắt đến sân bóng “chỉ để điểm danh, và chiêm ngưỡng những trận cầu mãn nhãn như thế này”, tôi hẳn sẽ không phải là khách quen của mấy quán cà phê cóc quanh trường Đại học “thời đó”.

Đâu phải ai cũng được tận mắt chứng kiến những Minh Vương (tuyển thủ “xém tí nữa” được tham dự AFF Cup), rồi cựu tuyển thủ Ngọc Thanh, hay Vua phủi miền Nam Capdervilar… múa may trên sân đấu như những vũ công múa ba lê?

Những trận đấu kịch tính không thua gì… Premier League bên nước Anh

Các trận đấu “cực căng” giữa W Team và HAT Sài Gòn, Trúc Nghinh Phong và Đạt Vĩnh Tiến, hay Lê Bảo Minh và Văn Minh (miền Nam) đều mang lại những khoảnh khắc kịch tính không thua gì giải Ngoại hạng Anh, với những pha bóng chất lượng và đẹp mắt, những màn trình diễn đẳng cấp và lả lướt của những tên tuổi cựu tuyển thủ hoặc những “chuyên phủi khét tiếng”, rồi những tình huống ghi bàn ở khoảnh khắc “Fergie Time” khiến khán giả tim đập chân rung, còn cầu thủ của những đội giành kết quả có lợi, chỉ có thể nhẹ lòng và thở phào nhẹ nhõm, “khi và chỉ khi” những anh trọng tài điển trai thổi còi, báo hiệu trận đấu đã thật sự kết thúc.

Minh Vương – không cần biết trên sân 11 người chính quy, hay sân phủi 7 người, vẫn chứng tỏ giá trị của một tuyển thủ chỉ bị loại khỏi đội tuyển do thiếu chút may mắn. Những pha xoay trở, đảo bộ của anh, vẫn cho thấy đẳng cấp của một cầu thủ chuyên nghiệp hạng cao nhất.

Một ngày với giải phủi số 1 Sài Gòn ảnh 2 Minh Vương thể hiện đẳng cấp (Ảnh ĐV)
Và cú sút phạt thành bàn mang lại bàn thắng danh dự của W Team của anh, cũng thể hiện cái đẳng cấp đó. Đáng tiếc, Minh Vương tỏ ra khá lạc lõng khi phải đối đầu với đội bóng của ca sĩ Tuấn Hưng vốn có thực lực đồng đều hơn, với Cường “Dusit” – người hùng Đoàn Việt Cường của tuyển Việt Nam ở AFF Cup hồi 10 năm về trước, rồi Phát “đen”, Kiên Trung. HAT Sài Gòn, do vậy, đã giành chiến thắng 2-1 đầy xứng đáng.
Một ngày với giải phủi số 1 Sài Gòn ảnh 3 HAT Sài Gòn, với thực lực đồng đều hơn, đã thắng xứng đáng (Ảnh Dũng Phương)
Trong khi đó, đội bóng có cái tên như… một chi phái Thanh Vân Môn, ở trong cuốn truyện Tiên hiệp nổi tiếng của Tiêu Đỉnh là “Tru Tiên” – đội Trúc Nghinh Phong của “hot boy xăm trổ” Bảo Chúng – đã giành chiến thắng vào giờ chót bởi cú chích bóng trong tích tắc của “Hòa nhỏ mà… không nhỏ”. Trước đó, Trúc Nghinh Phong đang hòa Đạt Vĩnh Tiến 1-1 với những tình huống kịch chiến “giữa những gã trai nhiệt huyết”, làm mãn nhãn khán giả.
Một ngày với giải phủi số 1 Sài Gòn ảnh 4 Hot-boy xăm trở Bảo Chúng - thủ lĩnh của Trúc Nghinh Phong (Ảnh ĐV)
Song “Minh” kỳ hiệp – thắng bại bất phân

Trận đấu đáng chú ý nhất trong ngày khai màn Sài Gòn Premier League – Season 1, là cuộc đối đầu giữa 2 “ông lớn” cùng có tên Minh, đó là Lê Bảo Minh và Văn Minh “miền Nam”. Dù thiếu nhiều trụ cột vào giờ chót, Lê Bảo Minh với sự dẫn dắt của cựu tuyển thủ Ngọc Thanh (biệt danh là Thanh “đen”, hay cắc cớ gọi anh là Thanh “khùng” anh cũng cười hề hề chấp nhận) cũng vào cuộc hừng hực khí thế với Văn Minh (miền Nam), nơi sở hữu quá nhiều “cầu chuyên” của Sài Gòn, nổi bật nhất có thể kế đến như là Capdervilar, Tuấn Vinh, Đạt “bo”.

Một ngày với giải phủi số 1 Sài Gòn ảnh 5 Tuấn Vinh - một nhạc trưởng nơi tuyến giữa của Văn Minh (miền Nam) - (Ảnh Dũng Phương)
Lê Bảo Minh đã có bàn thắng vượt lên dẫn trước sau khi Văn Minh (miền Nam) bỏ lỡ một số cơ hội ngon ăn. Ngọc Thanh, trong một pha bóng thể hiện đẳng cấp của một cựu cầu thủ chuyên nghiệp, dù đã nghỉ đá bóng mấy năm nay, nhưng thời gian vẫn không thể lấy đi phẩm chất chơi bóng của anh, đã đè thẳng mặt trung vệ đối phương và ngã người dứt điểm để mở tỷ số 1-0 cho trận đấu căng thẳng nhất của bảng tử thần.

Bị dẫn trước, Văn Minh “miền Nam” phải tung lá bài tẩy cuối cùng – Vua phủi Capdrvilar vào sân đấu, và anh, bất chấp việc bị một số người nhiều nói rằng: “đã chậm và sắp hết rồi”, vẫn thể hiện thứ tuyệt kỹ xử lý bóng trong góc hẹp khiến ai ai cũng phải thán phục. Trong một tình huống lộn xộn ở bên cánh trái khung thành của Lê Bảo Minh, ở một khoảng không chật hẹp đến nỗi, 2 người gầy nhom đi ngang qua nhau cố né nhau mà vẫn phải… quệt vào nhau, thế mà làm thế quái nào, Capdervilar vẫn có thể đảo chân, giật bóng ra khỏi tầm truy cản của thủ môn đối phương, và đệm bóng vào khung thành trống.

Một ngày với giải phủi số 1 Sài Gòn ảnh 6 Capdervilar ăn mừng sau pha xử lý bóng và ghi bàn chưa có trong "từ điển" (Ảnh ĐV)
Sau trận đấu, Cáp có tâm sự: “Ở tình huống đó, nhiều người không dám nghĩ tôi sẽ lừa bóng qua thủ môn, nhưng tôi vẫn làm điều mà không ai nghĩ ra được, đảo chân giật bóng, lừa qua thủ môn và ghi bàn”. Quả là pha ghi bàn kiệt suất không có trong “từ điển làng phủi” (vì đã có ai dám viết ra cuốn từ điển kinh thiên động địa này đâu?), một pha bóng xử lý bằng chân còn nhanh hơn… suy nghĩ của nhiều con người.

Kết quả 1-1 trong trận Song “Minh” kỳ hiệp, đã phản ánh đúng cục diện của trận đấu, thậm chí của cả giải đấu phủi số 1 Sài Gòn, là điểm nhấn, là nền tảng, đặc trưng của một giải đấu dự báo sẽ còn tiến lên mạnh mẽ trong “thì tương lai”. Đến giờ thì, hẳn không ít khán giả phải thầm ước: “Bao giờ cho đến mỗi thứ 7 cuối tuần” để lại được ra sân, giải trí mãn nhãn với những pha bóng, những trận đấu đẹp mắt.

Tin cùng chuyên mục