PGS-TS-BS Võ Văn Thành (ảnh) có giọng nói, kiểu cười hào sảng, đậm chất Nam bộ. Ông sinh năm 1949 tại làng An Bình, Cái Răng, Cần Thơ. Năm 1967, ông đứng thứ 4 trong số 160 thí sinh trúng tuyển vào Đại học Y khoa Sài Gòn. Ông có 40 năm vừa làm nghề, vừa đào tạo rất nhiều bác sĩ ngành cột sống - ngành đang thiếu bác sĩ trầm trọng ở Việt Nam.
“Cả nước chỉ có 4 khoa cột sống cho 90 triệu dân. Đó cũng là một trong những lý do 40.000 người Việt phải ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm, tiêu tốn 2 tỷ USD - số tiền đủ để xây 20 bệnh viện, trong 10 năm Việt Nam sẽ có thêm 200 bệnh viện, mỗi tỉnh thành có ít nhất 3 bệnh viện mới”, ông Thành bức xúc. Nỗi bức xúc, trăn trở thường trực trong ông mỗi khi nhắc đến ngành nghề “rất nhiều vấn đề” của mình.
Năm 1975, có nhiều cơ hội ra nước ngoài như bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp nhưng ông đã chọn ở lại vì “ở đây cần mình hơn”. Lòng anh thôi đã chọn/ Nơi này làm quê hương/ Dẫu nhọc nhằn gian khổ/ Dẫu nơi này khó thương/ Hương ngọc lan đã tỏa/ Bình dị giữa đêm thanh/ Trong tình yêu xứ sở/ Có em và có anh - ông giải thích đơn giản với người bạn đời của mình, với bản thân mình. “Đó còn là ân tình mà làng xóm, thầy cô giáo và người thân đã dành cho người học trò nghèo, là lời hứa với thầy Hoàng Tiến Bảo (PGS Hoàng Tiến Bảo, người đã đặt nền móng cho ngành cột sống Việt Nam - PV) sẽ tìm cách phát triển ngành cột sống ở Việt Nam”, ông Thành nói thêm.
Tất bật với nghề, ít ai biết, thời gian rảnh rỗi ít ỏi còn lại, ông dành hết cho thơ ca và đam mê nhiếp ảnh. “Do nhu cầu nghề nghiệp, tôi có thói quen luôn mang máy ảnh theo bên mình để chụp theo dõi tình trạng bệnh nhân trước và sau mổ. Có dịp đi các nơi, tôi muốn chia sẻ những cảnh đẹp mà tôi may mắn nắm bắt được, đặc biệt là các loài hoa”, ông chia sẻ.
Sau những ca mổ lớn, căng thẳng, thơ ca và nhiếp ảnh đã giúp ông vượt qua áp lực công việc của người thầy thuốc. Album của ông trên webshots.com với hàng chục ngàn bức ảnh “cốt giới thiệu phong cảnh và con người Việt Nam với bạn bè thế giới và ngược lại” - ông chia sẻ - được rất nhiều người xem và tải về miễn phí, được xếp hạng 9/8.000 nhiếp ảnh gia không chuyên khu vực Đông Nam Á.
“Nàng thơ hiếm khi đến thăm thầy thuốc vì công việc nhiều quá”, ông hóm hỉnh. Hàng ngày phải tiếp xúc với vô số bệnh nhân, với ốm đau, tật bệnh, chết chóc, thế nhưng vài năm trước, một tập thơ cá nhân thật đầy đặn đã ra đời rất ngẫu hứng và nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ, khuyến khích in. Chỉ là cuộc chơi ngẫu hứng nhưng lại rất tình, rất đời, rất nghiêm túc và tâm huyết, như bản tính cũng như cuộc đời, sự nghiệp cùng những đóng góp vô giá của ông cho ngành cột sống nói riêng, ngành chấn thương - chỉnh hình Việt Nam nói chung.
SONG PHẠM