Một số bộ ngành ban hành chính sách gây bất lợi cho doanh nghiệp

Ngày 10-3, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức đối thoại với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp về hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

(SGGP).- Ngày 10-3, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức đối thoại với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp về hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đóng góp các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại buổi đối thoại

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong năm 2016, về đầu tư nước ngoài, số dự án mới tăng 23,3%, tổng vốn đăng ký 26,89 tỷ USD, tăng 11,5%, vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Về phía doanh nghiệp nội, đã có hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng lý trên 891.000 tỷ đồng. Bình quân một doanh nghiệp thành lập mới có vốn đăng ký 10 tỷ đồng, tăng 40,9% so với năm 2015. Sở dĩ đạt được kết quả trên, ông Võ Tân Thành cho rằng, xuất phát từ những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải thực hiện để thực hiện hiệu quả mục tiêu nghị quyết 35 của chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì cho đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế. Điển hình nhất là chỉ một số địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Còn nhiều địa phương khác chủ yếu giao cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư mà thiếu sự phối hợp đồng hỗ từ các sở ban ngành liên quan khác trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Lãnh đạo các địa phương chưa thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp. Những kiến nghị của doanh nghiệp vẫn chưa được công khai và đánh giá hiệu quả giải quyết. Nhiều tỉnh thành đã tổ chức công khai minh bạch thông tin tại trung tâm hành chính công, thực hiện cơ chế một cửa nhưng doanh nghiệp vẫn phải đi vòng nhiều cửa con khác.

Trong khi đó, vai trò của nhiều hiệp hội vẫn mờ nhạt, thiếu những cán bộ, chuyên viên có đủ năng lực chuyên môn để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính. Một số bộ ngành vẫn vì lợi ích cục bộ nên vẫn ban hành những chính sách gây bất lợi cho doanh nghiệp hoặc ban hành chậm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Do vậy, để đẩy mạnh hiệu quả thực hiện nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp, theo đại diện các doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ sát sườn về vốn, chính sách thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; sớm thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, luật công nghiệp hỗ trợ…  Có như vậy thì mục tiêu đặt ra đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp 48 – 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 – 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%. Hàng năm có khoảng 30 – 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo mới có khả năng thực hiện được.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục