(SGGPO).- Sáng 11-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 3 năm 2011 - 2013, kế hoạch 2014 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bản báo cáo đưa ra nhận định: một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm như tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách, tỷ trọng đầu tư trên GDP... có thể không đạt kế hoạch.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng ước đạt 5,14%, dự báo cả năm tăng 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 (5,25%); tạo việc làm mới xấp xỉ đạt kế hoạch. Xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức 15,7%, ước cả năm 2013 nhập siêu khoảng 500 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại cải thiện cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng, tạo cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn, tăng ngoại tệ dự trữ ngoại hối, tạo sự ổn định tỷ giá khá vững chắc. Thị trường tài chính ổn định hơn; mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2-5 % so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động đã giảm 2-3 %, lãi suất cho vay giảm 3-5 %.
Qua thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế một mặt ghi nhận những thành quả đạt được, mặt khác đã phân tích sâu sắc những dấu hiệu bất ổn cần có giải pháp chấn chỉnh, bổ khuyết trong thời gian tới.
Cơ quan thẩm tra nhận định, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối diện với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%).
Điều đáng nói là trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt (Myanmar tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012; Campuchia tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012)… Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là «trụ đỡ» trong lúc nền kinh tế khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.
Tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định.
Tồn kho hàng hóa có giảm nhưng chủ yếu là do nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng đã diễn ra từ năm 2012 và tiếp tục kéo dài đến nay.
Bội chi ngân sách giảm từ mức 4,9% năm 2011 xuống 4,8% năm 2012 và dự kiến năm 2013 đạt 4,8% bằng mức kế hoạch; tuy nhiên do thu chi ngân sách nhà nước tiếp tục mất cân đối trong năm 2013, dự kiến sẽ hụt thu khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán (nếu trừ các khoản ghi thu NSNN ngoài dự toán thì hụt khoảng 59.430 tỷ đồng), dự báo 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn, nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết Quốc hội.
Về kế hoạch 2014 - 2015, Bộ trưởng Vinh cho biết một số chỉ tiêu chủ yếu đã được điều chỉnh đáng kể để phù hợp với tình hình. Theo đó, GDP tăng bình quân 6% GDP, năm 2014 tăng 5,8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 31 – 32%, bội chi ngân sách dưới 5,3% vào năm 2015...
ANH PHƯƠNG