Một số chủ trương, chính sách của thành phố Hồ Chí Minh để phát huy đội ngũ nhà giáo

LTS: Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã có bài viết về một số chủ trương, chính sách của TPHCM nhằm xây dựng, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của thành phố trong giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.1. Vai trò của Người Thầy trong thời kỳ hội nhập, phát triển:
Một số chủ trương, chính sách của thành phố Hồ Chí Minh để phát huy đội ngũ nhà giáo

LTS: Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã có bài viết về một số chủ trương, chính sách của TPHCM nhằm xây dựng, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của thành phố trong giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Vai trò của Người Thầy trong thời kỳ hội nhập, phát triển:

Lịch sử ngành giáo dục Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài với những tấm gương nhà giáo sáng ngời bởi lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc. Từ thời Triệu, Đinh, Lý, Trần đã xuất hiện hình ảnh nhiều vị thầy còn truyền mãi cho hậu thế như thầy Chân Không, thầy Trí Bảo… đã dạy dỗ, dẫn dắt học trò làm nên những thời đại hoàng kim chói lọi. Đến thầy Chu Văn An, một lòng cương trực không quỳ gối, khom lưng trước cường quyền bạo lực; thầy Lương Thế Vinh không màng phú quý, vinh hoa; thầy Lê Quý Đôn kiến thức vẹn toàn; thầy Phan Huy Ích trung nghĩa trọng người dưới cờ đào, áo vải Tây Sơn;… không sao kể hết những người thầy, những tấm gương, những bài học lớn mãi lưu truyền cho hậu thế.

Trong quan niệm truyền thống với sự chi phối của văn hóa phương Đông, người thầy giữ vai trò thứ hai trong cương thường “Quân, Sư, Phụ”. Người thầy có tri thức rộng, uyên bác. Thiên chức người thầy không chỉ truyền bá tri thức mà còn đào tạo ra người tài cho quốc gia. Thế nên mới có câu “Lương sư hưng quốc” - thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh. Việc học ngày xưa đã chú trọng cả dạy chữ và dạy người, đặt dạy đạo lý làm người lên hàng đầu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” - trước hết phải học đạo lý, lễ nghĩa, rồi mới học kiến thức văn hóa. Trong việc học, thầy giáo là trung tâm, thầy truyền đạt những tri thức cho trò, trò tiếp thu và áp dụng lại.

Nước ta đã và đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công cuộc đổi mới của nước ta đang trải qua nhiều chặng đường, với từng bước đi thích hợp. Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng một con người Việt Nam vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu xã hội là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Để làm được điều đó, không thể không nhắc đến vai trò của người thầy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta biết rằng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những “kỹ sư tâm hồn” của xã hội. Đội ngũ này cần có trình độ năng lực chuyên môn và thực sự tâm huyết với nghề. Ở nước ta không phải ngẫu nhiên có một ngày để tôn vinh nhà giáo - ngày 20-11, bởi lẽ những gì mà người thầy đã đóng góp và cống hiến cho xã hội là không thể tính đếm hết.

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, điều này đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII). Nhiều chế độ, chính sách quan tâm, ưu tiên cho các trường sư phạm, khoa sư phạm, sinh viên ngành sư phạm, đội ngũ thầy, cô giáo bám trường, bám lớp nơi địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Ngày nay, quan niệm về việc dạy và việc học đã có sự thay đổi tất yếu dẫn đến sự đổi thay cách hiểu về người thầy và nghề dạy học. Xu hướng chung trong dạy học thế kỷ 21 có sự thay đổi lớn về quan điểm dạy học chuyển từ “lấy thầy làm trung tâm” sang “lấy trò làm trung tâm” hoặc “giáo dục hướng về người học”, trong đó trò là chủ thể, thầy là tác nhân của quá trình dạy học. Tư tưởng dạy học tích cực này ra đời như một tất yếu khách quan trên nền tảng thành tựu to lớn của công nghệ thông tin, kinh tế tri thức được tích lũy trong suốt thế kỷ 20.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu rõ: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, thì việc xác định rõ vai trò của người thầy trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng và là tiền đề cơ bản nhất. Cần phải khẳng định, đổi mới không có nghĩa là phủ nhận những giá trị của giáo dục truyền thống. Vẫn rất cần kế thừa sự trân trọng nghề dạy học và khẳng định vị thế người thầy trong xã hội để làm nền tảng cho quan điểm mới về người thầy trong thời đại ngày nay. Vai trò đó thể hiện đồng bộ trên các mặt cụ thể:

- Một là: Người thầy là người giúp học sinh hình thành tri thức mới.

Tri thức mới ở đây chính là làm cho người học lĩnh hội được những kiến thức mới, biết phát huy những kiến thức đã lĩnh hội vào thực tế cuộc sống. Người thầy phải có kiến thức bao la và tâm huyết với nghề nghiệp, là người ươm mầm cho những tài năng tỏa sáng. Để cung cấp cho người học 1% kiến thức của nhân loại người thầy phải biết hơn 10%. Thật vậy, để người học lĩnh hội một phần nho nhỏ kiến thức thôi thì người thầy đã phải vất vả tìm tòi nghiên cứu những trang sách, những trang tài liệu trong vô vàn kho tàng kiến thức của nhân loại.

- Hai là: Người thầy phải rèn luyện cho người học phương pháp cũng như kỹ năng tư duy (bao gồm tư duy độc lập, tư duy phê phán và cả tư duy sáng tạo).

Trong ba tư duy trên, người học ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết khả năng của mình. Người học vẫn còn trông chờ rất nhiều vào thầy, thụ động hoàn thành những bài học, những phần việc thầy giao, vẫn còn ghi nhớ, nặng tính lý thuyết. Đó là do trong giai đoạn trước đây, người thầy luôn đóng vai trò là trung tâm, truyền thụ chuyển giao kiến thức, giữ vai trò chủ động, trong khi xu hướng hiện nay đã thay đổi. Người học bây giờ chính là trung tâm, giữ vai trò chủ động. Người thầy chỉ là người hướng dẫn, truyền đạt, chuyển giao tri thức thông qua sự tiếp nhận một cách chủ động của người học. Người thầy có vai trò khơi gợi và dẫn dắt người học để người học tự tìm hiểu những kiến thức mới.

- Ba là: Bồi dưỡng tâm hồn trong sáng (bao hàm cả việc giáo dục lý tưởng, lẽ sống, đạo đức) cho người học.

Một người thầy có “tâm” với nghề, có “lòng” với học trò, tận tụy với công việc thì những sản phẩm, những mầm xanh của thế hệ tương lai nhất định sẽ là những đóa hoa đầy hương sắc, những con người có thể vươn ra biển lớn của tri thức để khẳng định bản lĩnh của chính mình. Nói đến việc định hướng hình thành nhân cách của con người thì ngoài các yếu tố gia đình, nhà trường, xã hội thì yếu tố nhà trường không thể không kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của người thầy. Người thầy được ví như người cha, người mẹ thứ hai đối với người học. Người thầy có một tấm lòng khoan dung, độ lượng; có tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn; có lý tưởng cao đẹp, sống vì mọi người, vì lợi ích của cộng đồng, xã hội thì hiển nhiên sẽ đào tạo ra những người trò có những phẩm chất như vậy, đó là một sự tất yếu.

- Bốn là: Hình thành những kỹ năng sống cho người học.

Trong điều kiện phát triển của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nói riêng và phát triển đất nước nói chung mỗi người đã trở thành một mắt xích quan trọng của xã hội. Mắt xích đó phải có sự tương tác, tương quan và tương thích với cả hệ thống, nếu không cả hệ thống có thể bị phá hủy. Vì vậy, để mỗi người có thể hòa nhập được vào cuộc sống thời kỳ hội nhập, phát triển thì cần thiết phải được trang bị những kỹ năng sống, sinh hoạt, học tập và làm việc để thích ứng với cộng đồng. Phải làm sao để cá nhân đó tồn tại, hòa nhập và thích ứng được trong guồng máy đang chuyển động của cả xã hội, nhưng vẫn đảm bảo cho cá nhân đó sáng tạo và phát triển. Việc trang bị những kỹ năng sống đó phần lớn là do mỗi cá nhân, do gia đình và cộng đồng, nhưng không thể bỏ qua vai trò quan trọng của người thầy.

Giai đoạn trước đây, vai trò của người thầy đã được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Giai đoạn hiện nay cũng vậy, vai trò người thầy đã được nâng lên tầm cao mới. Cũng có quan điểm cho rằng, dưới sự bùng nổ của thời đại công nghệ thông tin, hàng loạt các phương tiện kỹ thuật ra đời đã hỗ trợ đắc lực cho người học, người thầy đã không còn là tâm điểm, vai trò người thầy đã mờ nhạt dần trong tâm trí người học. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây của giáo sư J.Hattie - đại học Auckland New Zealand thì: “Ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy”.

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM tặng hoa chúc mừng cô giáo. Ảnh: MAI HẢI

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM tặng hoa chúc mừng cô giáo. Ảnh: MAI HẢI

2. Các chủ trương, chính sách để phát huy đội ngũ nhà giáo của thành phố Hồ Chí Minh:

Để tiếp tục phát huy đội ngũ nhà giáo đang làm nhiệm vụ xây dựng một con người Việt Nam vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống trường học các cấp.

Để người thầy có thể thực hiện tốt nhiệm vụ thứ hai và thứ tư thì nhất thiết phải có điều kiện cơ bản và môi trường để thực hiện, đó là cơ sở vật chất phải phù hợp. Không thể triển khai “dạy cá thể”, dạy theo lối “lấy người học làm trung tâm”, dạy để người học “tự tìm tòi, tư duy”, dạy kỹ năng sống cho người học trong một lớp học có sĩ số 45 - 50 học sinh, với phấn trắng, bảng đen. Cần thiết phải giảm sĩ số người học, chỉ còn 20 - 25 học sinh/lớp, phải có các trang thiết bị hiện đại (máy tính nối mạng, bảng thông minh, dụng cụ thí nghiệm đầy đủ, sân bãi rộng rãi), phải có các khu chức năng hỗ trợ học tập nâng cao thể lực cho người học (nhà thi đấu đa năng, các phòng chức năng, phòng bộ môn…).

Mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư ngân sách rất lớn để xây dựng mới, mở rộng hệ thống trường lớp các cấp. Bình quân có trên 1.000 phòng học được xây mới mỗi năm; có gần 1.000 phòng chức năng phục vụ học tập cũng được đưa vào sử dụng; ngân sách chi thường xuyên để mua trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập là trên 400 tỷ đồng. Trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục duy trì và tăng cường đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo, tuy nhiên để nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống trường học các cấp, cần thiết phải có sự đồng thuận, sự chung tay, góp sức, sự hỗ trợ của toàn xã hội, của phụ huynh, của các mạnh thường quân và các tổ chức kinh tế.

- Có các chế độ, chính sách tiền lương, những đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo yên tâm sống được với nghề.

Để đội ngũ nhà giáo yên tâm giảng dạy, làm tốt 4 nhiệm vụ trên, thực sự “sống được bằng nghề nghiệp của mình”, đội ngũ nhà giáo phải được trả lương xứng đáng với công sức đã bỏ ra, phải sống “đàng hoàng” với nghề nghiệp của mình.

Thời gian qua, thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với các nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở công lập; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20-6-2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành một số chế độ chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho 41/322 phường - xã khó khăn thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố, mỗi tháng trợ cấp 700.000 đồng/tháng, riêng huyện Cần Giờ là 750.000 đồng/tháng; thực hiện giải quyết tiền vượt giờ cho giáo viên mầm non 200 tiết/năm, trợ cấp 300.000 đồng/tháng đối với công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,0 trở xuống. Ủy ban Nhân thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 69/2011/QĐ-UBND ngày 7-11-2011 về trợ cấp giảng dạy đối với giáo viên dạy hòa nhập cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 70/2011/QĐ-UBND ngày 7-11-2011 về chế độ hỗ trợ giáo viên dạy giáo dục công dân, pháp luật và giáo viên kiêm nhiệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Trong khi chờ chính sách chung của Trung ương, trong thời gian tới và trong thẩm quyền của thành phố, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có các chính sách hợp lý nhằm cải thiện rõ rệt đời sống cho đội ngũ giáo viên của ngành, như: hỗ trợ nhà công vụ, hỗ trợ giáo viên mua nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp; kiến nghị Trung ương có chính sách trợ cấp “đắt đỏ” cho giáo viên công tác tại các thành phố lớn…

- Có chế độ bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và cập nhật những tri thức mới của thế giới.

Kiến thức của nhân loại không ngừng phát triển và mở rộng, vì vậy người thầy phải thường xuyên được cập nhật kiến thức để phục vụ công tác giảng dạy. Trong một xã hội luôn hướng đến sự phát triển bền vững, việc phân biệt đúng - sai, định hướng lý tưởng cho người học là hết sức quan trọng, người thầy phải được trang bị một nền tảng lý luận chính trị thật vững vàng để có thể dẫn dắt người học.

Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và thường xuyên chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo thực hiện việc nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng hoạt động chuyên môn cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Hiện nay, 100% lực lượng giáo viên của thành phố đã đạt chuẩn, hàng năm toàn thể giáo viên của ngành đều được tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị trong thời gian hè, có trên 10.000 giáo viên, cán bộ quản lý các cấp được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn; thành phố đang triển khai các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên dạy tiếng Anh các cấp theo chuẩn quốc tế. Mỗi năm có trên 1.000 giáo viên, cán bộ quản lý được giao lưu, trao đổi chuyên môn với giáo viên, cán bộ quản lý các nước thông qua các chương trình hợp tác, trao đổi giao lưu với ngành giáo dục các nước trong khu vực và quốc tế.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung quy hoạch và dự báo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý trẻ tuổi, đáp ứng yêu cầu của thành phố trong giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững; triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2020”; tiếp tục củng cố mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục thành phố. Tổ chức tốt, hiệu quả công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ theo chuẩn quốc tế cho giáo viên dạy tiếng Anh các cấp học, bậc học; tập trung bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

- Đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên

Mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng trên 5.000 giáo viên các cấp học, để đảm bảo tuyển dụng được những giáo viên phù hợp với định hướng của thành phố, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc phân cấp tuyển dụng giáo viên các cấp (trên cơ sở có sự chỉ đạo thống nhất từ cấp thành phố); đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình và thủ tục tuyển dụng, bảo đảm đúng quy định, khoa học, chặt chẽ, chính xác; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đào tạo (các trường sư phạm) và cơ quan sử dụng (ngành giáo dục và đào tạo), đào tạo đúng nhu cầu và đủ số lượng giáo viên cần thiết cho thành phố.

Với các giải pháp tập trung, đồng bộ, với sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh ngành giáo dục và đào tạo và sự đồng thuận cao của toàn xã hội chung tay góp sức cùng với ngành giáo dục - đào tạo thành phố, chắc chắn thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thành công “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.
 

HỨA NGỌC THUẬN
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Tin cùng chuyên mục