Luật Thuế Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực được một tháng. Khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để thấy ảnh hưởng của nó đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất túi nylon, một trong những đối tượng bị điều chỉnh bởi luật thuế này.
Thắc mắc khắp nơi
Có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp sản xuất túi nylon trên địa bàn TPHCM đang... “nháo nhào” gọi điện thoại, làm văn bản gửi chi cục thuế các quận, huyện, Sở Tài nguyên - Môi trường, thậm chí có doanh nghiệp còn gửi lên cả Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng Quốc hội... hỏi xem sản phẩm túi nylon của mình có phải đối tượng chịu thuế? Tất nhiên, không phải chỉ các doanh nghiệp ở TPHCM lo lắng. Đơn giản, TPHCM là nơi tập trung đông nhất các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này nên không khí băn khoăn nơi đây nổi rõ nhất.
Theo Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, túi nylon không thân thiện với môi trường phải đóng thuế từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg. Mọi chuyện sẽ không phải bàn nếu việc xác định tiêu chí túi nylon thân thiện hay không thân thiện với môi trường đơn giản, dễ dàng.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lê Gia - đơn vị đã nhiều năm xuất khẩu túi nylon thân thiện với môi trường đi Nhật, Mỹ… vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đề nghị xác định sản phẩm của mình có thuộc đối tượng chịu thuế? Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nguyễn Liêm làm văn bản gửi Chi cục Thuế quận 1 - nơi đơn vị đặt trụ sở kinh doanh rồi lại hỏi cả Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM... tất cả đều là những thắc mắc: như thế nào là túi nylon thân thiện môi trường?
Biết những khó khăn của doanh nghiệp, song Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM không trả lời được vì xây dựng tiêu chí túi nylon thân thiện với môi trường không thuộc thẩm quyền của sở. Trong khả năng của mình, sở đang đề xuất lãnh đạo thành phố tạm xây dựng tiêu chí này cho TPHCM. Hiện đề xuất đang được UBND TPHCM giao Sở Tư pháp xem xét.
Tiêu chí Nhãn xanh Môi trường: không khả thi?
Thực ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt bộ tiêu chí “Nhãn xanh Môi trường” như một căn cứ để xác định đâu là túi nylon thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, rất khó thực hiện theo tiêu chí này bởi mấy yếu tố sau: Thứ nhất, đó phải là túi phân hủy sinh học hoàn toàn với thời gian tối đa khoảng 3 năm, trong khi đó hầu hết các phòng thí nghiệm, các trung tâm kiểm định kỹ thuật của Việt Nam không có khả năng xác định tiêu chí này. Kinh phí đánh giá tiêu chí như vậy ở nước ngoài lại không hề rẻ, trung bình phải vài trăm triệu đồng cho một thí nghiệm. Quan trọng hơn nữa, thời gian để kiểm định ít nhất cũng phải mất 1-2 năm. Thứ hai, nếu sản xuất theo tiêu chí của “Nhãn xanh Môi trường”, chi phí sẽ rất lớn vì đòi hỏi công nghệ cao, khó phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân Việt Nam cũng như khả năng đầu tư, trình độ sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện nay đơn vị thuế ở một số nơi đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất túi nylon đề nghị giải pháp: tạm thời thu thuế theo luật định và sẽ hoàn lại thuế cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm của mình thân thiện với môi trường. Đã có nhiều doanh nghiệp đồng tình với giải pháp này và họ đang bắt đầu đưa thuế vào trong giá thành sản xuất túi nylon.
Hạn chế túi nylon gây ô nhiễm môi trường là việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, chỉ có một vấn đề khó chấp nhận, đó là lộ trình thực hiện. Luật Thuế Bảo vệ Môi trường được Quốc hội thông qua vào ngày 15-11-2010 và hai tuần sau đó Chủ tịch nước ký lệnh công bố. Như vậy, không thể nói ngành chức năng không có thời gian để chuẩn bị cho luật đi vào cuộc sống bởi đến ngày 1-1-2012 các đối tượng bị điều chỉnh mới bắt đầu phải nộp thuế.
AN NHIÊN
|