Một thực tế đáng ngại: Xã viên đồng loạt bán xe buýt

Tất cả tuyến đều lỗ?
Một thực tế đáng ngại: Xã viên đồng loạt bán xe buýt

Tuần qua, ba đơn vị xe buýt lớn nhất TPHCM: Liên hiệp HTX vận tải TPHCM, Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn và Công ty TNHH Vận tải thành phố, hoạt động trên hơn 2/3 tuyến xe buýt của thành phố đã có văn bản gửi HĐND, UBND TP và các sở, ngành liên quan đề nghị xem xét lại việc trợ giá xe buýt mà họ cho rằng còn nhiều điều chưa hợp lý. Hàng loạt xã viên của các đơn vị trên đã đồng loạt bán xe vì cho rằng hoạt động vận tải công cộng đang lỗ nặng nề.

Tất cả tuyến đều lỗ?

Một thực tế đáng ngại: Xã viên đồng loạt bán xe buýt ảnh 1

Xe buýt 2 tầng đưa đón sinh viên. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, kiêm Chủ tịch Hiệp hội xe buýt thành phố cho biết, cho đến nay đã có trên 20 xe buýt loại lớn (B 80) được bán đi (cho các hoạt động vận tải khác như vận tải liên tỉnh, du lịch…) với lý do thu không đủ bù chi. Hàng loạt xe khác cũng đang được thương thảo giá bán bởi trong xã viên các HTX xe buýt đang lo ngại: tiền trợ giá sẽ ngày một ít đi trong khi giá nhiên liệu lại tăng mạnh. 

Động thái này, theo ông Hải “không phải các xã viên làm eo sách, đơn giản chỉ vì xã viên các HTX xe buýt xưa nay vốn lấy công làm lời là chủ yếu. Nay tiền công cũng chẳng bù đắp chi phí nên buộc phải bán xe đi”. Thực hư vấn đề này như thế nào, thật tình cũng chưa thể khẳng định, nhưng một thông tin từ Trung tâm quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố cũng cho thấy, hơn 100 tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố chỉ có vài tuyến thu đủ bù chi, còn lại là lỗ (?). 

Mọi việc chưa dừng lại ở đấy, không ít chủ nhân của những chiếc xe buýt nằm trong dự án đầu tư 1.318 xe buýt của thành phố do chưa trả hết nợ vay, không thể bán để chạy lỗ cũng đang đề nghị chủ đầu tư là Công ty Xe khách Sài Gòn cho phép… trả lại xe (!?). Những xã viên này đưa ra phương án: chủ đầu tư đánh giá lại chất lượng xe. Xe còn khấu hao bao nhiêu, xã viên chấp nhận trả bù bấy nhiêu.

Theo các xã viên, việc thanh toán trợ giá đã nhanh hơn trước nhưng tiền bù trượt giá vẫn trả rất chậm. Tiền bù trượt giá nhiên liệu năm 2006 cho gần 1.000 xã viên Liên hiệp HTX xe buýt thành phố lên đến 12 tỷ đồng vẫn chưa được thanh toán. Năm nay giá nhiên liệu đã tăng mạnh nhưng phương án bù trượt giá như thế nào vẫn chưa thấy ngành chức năng đề cập. Nhiều xã viên đã lên đặt vấn đề với Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng nhưng chỉ nhận được câu trả lời: hãy chờ. Trong khi đó, những thông tin về việc sắp tới thành phố sẽ cắt giảm trợ giá gần như đã được khẳng định làm cho các xã viên càng hoang mang.

Lời giải nào cho xe buýt?

Trong văn bản gửi HĐND, UBND TPHCM, 3 đơn vị xe buýt hàng đầu của thành phố cho rằng, hiện nay các chủ xe vẫn phải tự trả thêm một số khoản đầu tư chưa được tính vào trợ giá như: 3% lãi vay, chi phí thuê mướn bến bãi (năm 2007 tăng 30% so với năm 2006, năm 2008 dự kiến tăng 10% so với 2007), chi phí cho cự ly di động, chi phí sửa chữa, đơn giá phụ tùng thay thế từ năm 2002 đến nay đã tăng nhiều lần nhưng không được điều chỉnh.

Trong khi đó, thực chất là các doanh nghiệp bán sản phẩm vận tải cho Nhà nước để phục vụ nhân dân. Việc mua bán này phải sòng phẳng. Các đơn vị xe buýt đề nghị: điều chỉnh lại mức trợ giá cho phù hợp với thực tế, với sự tham gia của các đơn vị vận tải. Nhà nước phải khẳng định lại chủ trương phát triển vận tải công cộng, có chính sách trợ giá ổn định lâu dài cho hoạt động này thì các xã viên mới yên tâm làm việc.

Cho đến ngày 20-12-2007, các đơn vị vận tải vẫn chưa nhận được câu trả lời của các ban ngành chức năng. Như vậy, thực chất của vấn đề như thế nào còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, tình hình nêu trên không cho phép ngành chức năng chậm trễ hơn nữa. Đã đến lúc thành phố phải nhanh chóng, nghiêm túc xem xét lại việc phát triển vận tải công cộng ở TPHCM, đặc biệt rà  soát thực hư của việc trợ giá. Tại sao các đơn vị vận tải kêu lỗ mà dư luận vẫn cho rằng trợ giá chưa hiệu quả? 

Để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở các đô thị, chỉ có một giải pháp về giao thông là phát triển vận tải công cộng. Đây là kinh nghiệm đã được minh chứng ở nhiều quốc gia có tình hình giao thông tương tự TPHCM. Do đó, mọi vấn đề cần được giải quyết trên quan điểm này.

Xe 2 tầng được trợ giá như xe... 1 tầng

Tháng 12-2005, Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM đã tiên phong đầu tư 3,6 tỷ đồng mua 2 xe buýt 2 tầng đưa vào hoạt động trên tuyến Sài Gòn - Thủ Đức, phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 10.000 lượt sinh viên, học sinh mỗi ngày. Sự xuất hiện của loại xe buýt 2 tầng đẹp, hiện đại, chở được lượng khách từ 100 - 120 người-gần gấp đôi xe buýt 1 tầng đã thực sự giải quyết được nạn quá tải trên tuyến vào giờ cao điểm mà không chiếm thêm diện tích đường.

Ngày đưa 2 xe vào hoạt động, đông đảo lãnh đạo cùng người dân thành phố đã đến chia vui cùng những người làm công tác vận tải. Nhưng gần 2 năm đã trôi qua, niềm vui cũng đang tắt dần bởi 2 xe buýt 2 tầng trị giá gần gấp đôi xe buýt 1 tầng (có diện tích tương tự) nhưng vẫn chỉ được nhận trợ giá như xe… 1 tầng, tức khoảng 900 triệu đồng/xe thay vì phải 1,8 tỷ đồng/xe. Các chủ xe đang rất bức xúc, cuộc sống gia đình của họ đã gặp rất nhiều khó khăn vì thu không đủ bù chi. Không chỉ có thế, điều này đã tạo ra một tiền lệ xấu: xã viên còn không mặn mà đầu tư vào vận tải công cộng.

Cùng số phận với xe buýt 2 tầng là 5 chiếc xe buýt dành cho người khuyết tật với đầy đủ các tiện ích: sàn thấp, kính an toàn, ghế dành riêng cho người khuyết tật. Trị giá mỗi chiếc xe này cũng lên tới 1 tỷ 50 triệu đồng/chiếc nhưng chỉ nhận được mức trợ giá như xe thường. Thiết nghĩ, quản lý trợ giá xe buýt chặt chẽ, có hiệu quả là việc phải làm nhưng không có nghĩa là để cho xã viên thiệt thòi.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục