Một ứng cử viên không nên “gánh” nhiều cơ cấu

* Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm: số phiếu “Tín nhiệm cao” nhiều nhất là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và số phiếu “Tín nhiệm thấp” nhiều nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Một ứng cử viên không nên “gánh” nhiều cơ cấu

* Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm: số phiếu “Tín nhiệm cao” nhiều nhất là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và số phiếu “Tín nhiệm thấp” nhiều nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Sáng 15-11, sau khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh theo danh sách đã được thông qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Các ý kiến tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến thiết chế hoàn toàn mới là Hội đồng Bầu cử quốc gia; tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND…

Các đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Làm rõ trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử quốc gia

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét, Hội đồng Bầu cử quốc gia với tư cách chế định mới so với hội đồng bầu cử hiện hành chưa có nhiều khác biệt. Ông nói: “Điểm mới rõ nhất có lẽ chỉ là hội đồng do QH thành lập, quy định về bộ máy giúp việc và hoạt động được giao cho UBTVQH quy định. Còn hàng loạt câu hỏi khác cần phải giải đáp: hội đồng có hoạt động thường xuyên không, được thành lập vào thời điểm nào - đầu nhiệm kỳ QH mới hay cuối nhiệm kỳ cũ để tổ chức bầu cử khóa mới”… ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng thắc mắc: “Hội đồng Bầu cử quốc gia là cơ quan chuyên trách, tồn tại suốt nhiệm kỳ của cơ quan dân cử hay chỉ kiêm nhiệm, hoặc nửa chuyên trách, nửa kiêm nhiệm”.

Nhấn mạnh yêu cầu xử lý tốt quan hệ giữa cơ cấu - chất lượng, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, hiện vẫn có tình trạng một ĐB “gánh” quá nhiều cơ cấu: vừa là ĐB nữ, ĐB ngoài Đảng, ĐB trẻ, ĐB người dân tộc thiểu số… Điều này dẫn đến việc số ĐB nữ, ĐB là người dân tộc thiểu số… trong QH không đạt mức mong muốn. “Một ứng cử viên không nên “gánh” quá 2 cơ cấu”, bà Phúc phát biểu.

ĐB Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) và nhiều ĐB khác đề nghị QH quyết tâm và có giải pháp hữu hiệu để nâng tỷ lệ nữ ĐBQH lên ít nhất 30% - 35% tổng số ĐB. “Quá trình thực hiện bình đẳng giới lâu dài quá, gay go quá. Chúng ta hiệp thương, giới thiệu vào danh sách hơn 33% ĐB nữ, nhưng chỉ bầu được 24%, là vì chị em phải “gánh” nhiều vai quá, ví dụ vừa phải là nữ, lại phải trẻ; trong khi tuổi đời còn trẻ thì kinh nghiệm chưa nhiều nên chưa được cử tri tín nhiệm...”, ông Vũ Trọng Kim cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề “cơ cấu”, ĐB Danh Út (Kiên Giang) trăn trở về tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc còn thấp, đề nghị luật quy định về tỷ lệ ĐB hợp lý tương ứng với dân số của các dân tộc thiểu số. Trong khi đó, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lưu ý, cần quy định một tỷ lệ thích đáng ĐB tái cử để đảm bảo tính kế thừa và kinh nghiệm hoạt động.

Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng, luật chưa đề cập đúng mức đến một chủ thể rất quan trọng, nếu không muốn nói là nhân tố chính quyết định thành công của cuộc bầu cử; đó là cử tri. Ông Hùng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại Chương “Danh sách cử tri” theo hướng mở rộng, bao quát cả quyền và trách nhiệm của cử tri; đồng thời tập hợp hết các quy định rải rác ở các chương khác về cử tri về chương này.

Các ĐB Đỗ Văn Đương, Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, luật cần có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “bỏ phiếu giùm”, “hoàn thành bỏ phiếu sớm” để lấy thành tích… Ông Trần Du Lịch đề xuất, cần chấp nhận một tỷ lệ 70% - 80% cử tri đi bầu, không cần đến trên 90% mà thực chất là bỏ phiếu giùm, một người bầu cho cả nhà. Địa phương nào để xảy ra hiện tượng bầu giùm cần có hình thức khiển trách nghiêm khắc.

Tiêu chuẩn đối với ứng cử viên cũng là một trong những vấn đề được ĐB Trần Du Lịch và nhiều ĐB khác quan tâm. Theo nhiều ý kiến tại phiên họp, việc chỉ đưa 1 tiêu chí chung cho cả ĐBQH và ĐB HĐND các cấp là không hợp lý. Thậm chí, tiêu chuẩn đối với các ĐBQH chuyên trách còn phải cao hơn và phải được cụ thể hóa - có thể ngay trong luật này hoặc dẫn chiếu sang Luật Tổ chức QH…

Các đại biểu trao đổi bên lề phiên họp ngày 15-11.

Thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Chiều 15-11, với 90,74% tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trước đó, Quốc hội đã nghe Trưởng ban Kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí đọc biên bản kiểm phiếu trên cơ sở đánh giá tín nhiệm của 485 ĐB tham dự.

Những chức danh có số phiếu “Tín nhiệm cao” hàng đầu, gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (390 phiếu), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (380 phiếu), Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai (365 phiếu), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có số phiếu “Tín nhiệm cao” lần lượt là 340 phiếu và 320 phiếu.

Nhóm các chức danh có phiếu “Tín nhiệm thấp” nhiều, gồm: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (192 phiếu), Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh (157 phiếu), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (154 phiếu), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (149 phiếu)…

Kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên cách đây hơn 1 năm (tháng 6-2012), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có bước nhảy vọt trong đánh giá khi đạt 323 phiếu “Tín nhiệm cao” và chỉ còn 41 phiếu “Tín nhiệm thấp” so với kết quả lần trước lần lượt là 88 và 209 phiếu. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng “cải thiện” được nhiều về mức độ đánh giá tín nhiệm khi nhận được 362 phiếu đánh giá “Tín nhiệm cao” so với 186 phiếu lần đầu.

Tán thành tăng thuế TTĐB với thuốc lá, rượu, bia

     
     
 

* Liên quan đến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế, đa số các ĐB đều tán thành với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết. Trong đó, về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều ĐB đều cho rằng cần có sự ưu đãi hơn nữa trong nông nghiệp, nông thôn bởi đây là lĩnh vực đang khó thu hút đầu tư.

 
     

Chiều 15-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), giảm tác hại của thuốc lá cần nhiều giải pháp thay vì chỉ có biện pháp tăng thuế. Việc tăng thuế cao quá sẽ “tạo niềm vui khôn tả” cho hoạt động buôn lậu. Do vậy, việc tăng thuế TTĐB chỉ nên theo lộ trình của Chính phủ đưa ra là từ 1-1-2016 thuế suất tăng lên 70% và đến 1-1-2019 là 75%. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng cho rằng, nếu thuế TTĐB tăng mạnh, cao ngay từ 1-7-2015 trong khi các nước có chung đường biên giới thấp sẽ gián tiếp gây tăng buôn lậu, thất thu ngân sách…

Tuy nhiên, các ĐB Lê Khánh Nhung (Quảng Bình), ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM), Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên), lại cho rằng, phương án trình tăng thuế TTĐB của Chính phủ với thuốc lá chưa hợp lý. Bởi lẽ, mục tiêu của thuế TTĐB là hạn chế, hướng dẫn tiêu dùng, trong khi mặt hàng thuốc lá lại có hại nhiều cho sức khỏe nên cần tăng thuế cao thay vì chỉ mỗi lần tăng thêm 5% như đề nghị (1-1-2016 tăng từ 65% lên 70% và từ 1-1-2019 từ 70% lên 75%).

ĐB Lê Khánh Nhung dẫn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nếu tăng thuế trong khoảng 65% - 105% thì giá bán lẻ thuốc lá chỉ tăng 20,8%. Do vậy, đề xuất của Chính phủ tăng thuế là không đáng kể. Theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), trong báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ có cho rằng, buôn lậu thuốc lá gia tăng không phải do thuế mà do công tác chống buôn lậu. Từ đó, ĐB Hải đề nghị cần phải bổ sung nguồn lực cho công tác này, tránh việc tăng thuế lại tạo “vùng trũng” cho hoạt động buôn lậu.

Liên quan đến thuế với rượu, bia, nhiều ĐB cũng tán thành cần thiết phải tăng thêm thuế.

Đề xuất đưa nước ngọt, trò chơi trực tuyến vào diện chịu thuế

Các ĐB Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Khá đề nghị dự luật cần bổ sung nước ngọt có ga hoặc không có ga và trò chơi trực tuyến (game online) vào diện chịu thuế. Theo các ĐB này, nhiều trò chơi trực tuyến mang nhiều tính bạo lực, chứa nhiều nội dung xấu... đã được “tiêm” vào đầu thế hệ trẻ. Do vậy, cần đưa vào diện chịu thuế để điều tiết, hạn chế. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hải băn khoăn, nếu áp thuế mà giảm được số lượng người chơi sẽ chấp nhận, nhưng trên thực tế không có nước nào áp thuế với trò chơi trực tuyến mà ngược lại còn sử dụng để truyền bá văn hóa cho giới trẻ.

Về vấn đề nước ngọt có hoặc không có ga, nhiều ĐB cũng cho rằng cần thiết phải bổ sung vào vì phù hợp với bản chất của thuế TTĐB, bởi trên thực tế, loại nước này gây ra nhiều bệnh khó chữa như đái tháo đường, béo phì... Do vậy, cần áp thuế khoảng 10% để người dân điều chỉnh hành vi sử dụng của mình.

ANH THƯ - NGỌC QUANG


Phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ

* Nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Tôi không thấy bất ngờ

Việc lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa là sự đòi hỏi vừa là sự chia sẻ. Về mặt lấy phiếu thì không có gì khác, không có gì thay đổi. Nhưng lần này thời gian dành cho ĐBQH dài hơn, sự chiêm nghiệm trực tiếp hơn, và nó cũng có cái hiệu ứng của lần trước để các vị trong đối tượng ấy phải phấn đấu. Điều đó chúng ta cũng thấy được trong kết quả lần này, có người phấn đấu lên được, có người chưa phấn đấu lên được, thậm chí có người lại bộc lộ yếu kém hơn.

Thực sự, tôi không thấy bất ngờ với kết quả lấy phiếu lần này. Tôi thấy một chi tiết rất hay, ví dụ như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, một lĩnh vực không liên quan trực tiếp, nhưng ông đã có những phát biểu cụ thể trước Quốc hội, và đã mang lại một nhận thức khác. Các ĐBQH, bên cạnh lĩnh vực đời sống, họ còn quan sát được ngay trong hoạt động Quốc hội. Các lĩnh vực giao thông, ngân hàng, tài chính và cả Thủ tướng nữa, có số phiếu tín nhiệm khá cao.

* ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Rõ những hạn chế, yếu kém để có giải pháp quyết liệt hơn

Đánh giá của Quốc hội và ĐBQH đã phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của chúng ta trong thời gian vừa qua; cơ bản đánh giá kết quả định hướng kinh nghiệm phản ánh đúng đánh giá của cử tri và của ĐBQH.

Tôi nghĩ mỗi ĐBQH thể hiện chính kiến của mình trong phiếu tín nhiệm, nhưng thái độ chung là sự động viên và mong muốn Quốc hội, cử tri sẽ hỗ trợ để mỗi ngành đó sẽ có chuyển biến trong thời gian tới, những Bộ trưởng, trưởng ngành ngành đó sẽ thực hiện tốt, xuất sắc hơn với nhiệm vụ của mình.

* ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Trong thời gian qua, việc điều hành trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, ngân hàng, giao thông, công thương đã hết sức quyết liệt, tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, cử tri hết sức phấn khởi. Kết quả đó đã phản ánh đúng với tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tôi tin kết quả này sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo tinh thần, lòng tin của người dân với điều hành của Chính phủ, đối với những “tư lệnh ngành”.

* TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM: Thể hiện dân chủ

Tuy mới chỉ là lần thứ hai nhưng đã phản ánh khách quan, công bằng, công tâm về nỗ lực của các vị đã được lấy phiếu tín nhiệm quá bán trở lên. Nhiều đại biểu có kết quả cao. Nhưng cũng phải thấy một số lĩnh vực có khó khăn, phức tạp phải nỗ lực đột phá hơn nữa vì đây là kỳ vọng rất bức thiết và chính đáng của cử tri cả nước như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường. Tôi cho rằng kết quả thể hiện dân chủ thật sự trong đời sống xã hội. Nó cũng cho thấy Quốc hội xứng đáng là cơ quan giám sát tối cao, là cơ quan quyền lực thật sự.

* Cử tri Nguyễn Hữu Nghĩa, phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM: Thước đo và phép thử

Tối 15-11, nhận được tin nhắn của anh bạn là dân “hóng” chuyện thời sự, tôi liền bật ti vi ngay để chờ đài công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

50 chức danh, 3 màu trên bảng công bố kết quả nhưng những người quan tâm đến chuyện thời sự đất nước chắc chắn sẽ có những cung bậc tình cảm khác nhau, từ những vị trí chức vụ mà người dân thường tiếp xúc hay gặp trên báo trên đài hoặc có cảm tình đến những chức danh “chẳng liên quan gì đến mình”. Có thể thấy, đây là một cuộc bỏ phiếu công khai, dân chủ, không úp mở hay “quân xanh quân đỏ” như một số dư luận nghi kỵ, ngờ vực. Những cung bậc tình cảm khác nhau cũng chứng minh: các đại biểu của cử tri đã hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri gửi gắm, công tâm, đánh giá đúng mực, khách quan.

Nói kết quả của việc bỏ phiếu là phép thử cũng không ngoa. Nếu so tổng thể, sẽ có những vị có số phiếu tín nhiệm cao ít hơn, số phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn thì đó là lời nhắc nhở các vị “công bộc của dân” cần xem lại mình, ngành mình đã đáp ứng được những đòi hỏi của người dân chưa. Thước đo của lòng dân rất chính xác. 

PHAN THẢO - NGỌC QUANG - HỒNG HIỆP - THƯ LÊ (ghi)

>> Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Tin cùng chuyên mục