Mùa album “nhạc đỏ”

Mùa album “nhạc đỏ”

Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều album “nhạc đỏ” đồng loạt xuất hiện. Điều đàng nói là trong các album nhạc truyền thống, không chỉ có các ca sĩ “chuyên trị” dòng nhạc cách mạng, mà các ca sĩ trẻ cũng góp giọng khá nhiều.

Mở đầu mùa album kỷ niệm 30-4 là ca sĩ Đức Tuấn - giải nhất “Tiếng hát truyền hình TPHCM” năm 2000. Album Những bài ca không quên được thực hiện đánh dấu cột mốc 15 năm ca hát của anh. Mặc dù là một đĩa nhạc tổng hợp nhưng CD có ý tưởng với một đường dây kịch bản. 15 ca khúc nhạc đỏ trong album cũng được chia theo từng chương với ý đồ nghệ thuật rõ ràng, gắn với những sự kiện và giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước như: Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (Bà mẹ Gio Linh, Lời người ra đi, Tình ca, Lá đỏ, Tự nguyện…); giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Nơi đảo xa, Tổ quốc gọi tên mình…). Đặc biệt, Đức Tuấn còn thể hiện khả năng hát giọng Bắc - Trung - Nam điệu nghệ với những làn điệu dân gian đặc trưng từng vùng miền trong album. Tham gia góp giọng cùng anh là các ca sĩ trẻ Hiền Thục, Ngọc Mai, Noo Phước Thịnh và Hoàng Rapper.

Album Khúc tráng ca đất nước của ca sĩ Thụy Vân

Thụy Vân, giải nhất “Tiếng hát truyền hình TPHCM” năm 1998 cũng vừa ra mắt album thứ hai Khúc tráng ca đất nước. Vốn gắn bó với phong cách thính phòng và âm nhạc truyền thống nên lần này Thụy Vân vẫn tiếp tục chọn những bài hát như Bài ca hy vọng, Đất nước, Người mẹ của tôi… để thể hiện trong đĩa nhạc. Với giọng hát mượt mà, kỹ thuật, cô mang lại cho người nghe sự hào hùng, khí thế nhưng cũng không kém phần đằm thắm.

Rực rỡ những mùa hoa là album đầu tay của nhóm nhạc Lạc Việt - một nhóm nhạc nam với bốn thành viên được đào tạo bài bản tại Nhạc viện TPHCM. Nhóm có thể hát được nhiều dòng nhạc nhưng gắn bó nhất vẫn là các ca khúc truyền thống. Vậy nên khi ra mắt album đầu tay, nhóm đã chọn chủ đề là các ca khúc về TPHCM - cũng là nơi các thành viên sinh trưởng và lớn lên. Đây là một lựa chọn khá thông minh để tạo nên một sản phẩm khác biệt trong số những album ra mắt dịp đại lễ năm nay. CD gồm những bài hát quen thuộc Sài Gòn quê hương tôi, Thành phố của tôi, Thành phố tình yêu… được hòa âm theo thể loại pop - dance mới mẻ, trẻ trung. Điểm đặc biệt của album là phần dựng bài, chia bè khá công phu, các thành viên hát cũng hòa quyện với nhau.

Ngoài ra còn phải kể đến những sản phẩm online của Dương Quốc Hưng (Thành phố tôi yêu) và Âu Bảo Ngân (Sài Gòn, Sài Gòn) với những ca khúc như: Đêm thành phố đầy sao, Thành phố từng ngày đổi mới, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Em còn nhớ hay em đã quên, Đêm đô thị…

Cùng tham gia trong mùa album mừng đại lễ là nhạc sĩ Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn. Với nhạc sĩ Quỳnh Hợp là CD Chào Sài Gòn ban mai hợp tác cùng nhóm Artista. Các bài hát trong album vẽ nên một bức tranh thành phố bình yên, tươi đẹp và tinh khôi. Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn lại hướng về biển đảo với Sức sống Trường Sa tập hợp tám ca khúc về biển đảo, về những người lính do ông sáng tác với nền phối khí hoàn toàn mới của các nhạc sĩ Xuân Thủy, Huyền Trung và Sơn Thạch. Trước đây các bài hát của ông như: Có những tuổi 20 như thế, Phút im lặng trên biển, Tạm biệt Trường Sa… đã được nhiều nghệ sĩ biểu diễn trong những chương trình ca nhạc lớn, những hội diễn và đạt nhiều giải thưởng quan trọng, nhưng đến bây giờ Nguyễn Hồng Sơn mới có một album tập hợp đầy đủ các ca khúc về Trường Sa. Album có sự tham gia của các ca sĩ: Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Dương, Vũ Thắng Lợi, nhóm Con gái…

KHÁNH THƯ

* Chương trình nghệ thuật Sắc âm hòa nhịp hùng ca

(SGGP).- Tối mai, 30-4, tại Nhà hát Hòa Bình, Hội Di sản TPHCM kết hợp Công ty Mekong Artists của nghệ sĩ Linh Huyền sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Sắc âm hòa nhịp hùng ca. Chương trình biểu diễn các ca khúc truyền thống cách mạng và giao lưu với những chứng nhân lịch sử: Anh hùng Lê Duy Ứng - người vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu; họa sĩ Phạm Thanh Tâm - người vẽ ký họa chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập; họa sĩ Lê Lam - người kể câu chuyện Bác Hồ dạy bộ đội đánh du kích; nhà báo Hoàng Văn Cường - người chụp ảnh chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975; nhạc sĩ Doãn Nho - tác giả bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng; Vũ Cảnh - người giải mã bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Trước giờ chương trình diễn ra, ban tổ chức trưng bày triển lãm trước sảnh gần 70 tranh cổ động và tem sưu tập, bày bán tập sách ảnh ký họa Tiến về Sài Gòn của đại tá - họa sĩ Phạm Thanh Tâm, nhằm gây quỹ giúp đỡ nghệ sĩ neo đơn.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục