Mua bán điện thông minh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo, bắt đầu từ ngày 1-7 sẽ triển khai thí điểm thị trường điện cạnh tranh trước khi chính thức áp dụng kể từ năm 2012.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo, bắt đầu từ ngày 1-7 sẽ triển khai thí điểm thị trường điện cạnh tranh trước khi chính thức áp dụng kể từ năm 2012.

Trong một động thái khác, Bộ Công thương và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) vừa ký văn kiện hợp tác về việc triển khai Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ với chi phí khoảng 7 triệu USD. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 5-2011; thời gian thực hiện 3,5 năm với sự điều phối của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương.

Tại lễ ký kết này, ông P. Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam, đưa ra một nhận định rất đáng lưu ý: Để đạt được mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần vượt qua nhiều thử thách, trong đó còn hạn chế sự hiểu biết về tối ưu hóa hệ thống và quản lý năng lượng.

Nhìn từ góc độ người mua điện, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp Việt Nam có khuynh hướng tập trung nhiều cải tiến các thành phần riêng rẽ trong hệ thống như động cơ, máy bơm hay nồi hơi… Tuy nhiên, cách cải thiện ở cấp độ thành phần như vậy chỉ có khả năng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong hệ thống lên 2%-5%, trong khi khả năng tiết kiệm năng lượng bằng cách tối ưu hóa hệ thống có thể lên đến 25%.

Quả thực, quản lý sử dụng năng lượng hết sức quan trọng. Trong cuốn sách mới nhất của mình, Thomas Friedman, nhà báo Mỹ từng 3 lần đoạt giải Pulitzer, đã nhận xét, đại ý: nói với mọi người rằng từ nay về sau chúng ta phải chia điện theo khẩu phần chắc chắn là một việc làm thay đổi lối sống nhưng quy định việc các tòa nhà văn phòng không tắt đèn sau giờ làm việc là vi phạm luật thì về căn bản không làm thay đổi lối sống của ai. Nói với mọi người đừng mua máy rửa bát hay máy giặt chắc chắn là một việc làm thay đổi lối sống, thế nhưng hoãn bật máy rửa, sấy bát đĩa hay máy giặt chỉ vài giờ để đợi đến giờ thấp điểm - khi giá điện rẻ hơn - về cơ bản không ảnh hưởng gì đến chất lượng sống.

Tóm lại, chúng ta sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu triệu thùng dầu, bao nhiêu kilowatt điện khi chỉ cần nghĩ (và thực hiện) cách tiêu thụ hợp lý ngay cả khi chưa cần kiềm chế bớt trong lối sống.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hiệu quả chỉ có thể được tối đa hóa nếu hệ thống bán điện cũng được cải tiến. Sự nâng cấp hệ thống truyền tải điện không thể chỉ theo hướng “chắp vá” thêm vào những gì đã có mà phải tạo được tính liên kết cao, tạo ra những “xa lộ” điện liên vùng được kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu thất thoát hư hao; đồng thời có thể “ứng cứu” cho các khu vực khác trên toàn quốc một cách linh hoạt. Trong phần lớn các trường hợp, khách hàng chỉ biết được tổng số tiền phải trả khi nhận được hóa đơn tiền điện mà không phân biệt được mình đã sử dụng nguồn điện vào giờ cao điểm/ thấp điểm như thế nào cũng như từ nguồn cung cấp nào (thủy điện, nhiệt điện, điện sản xuất từ khí tự nhiên và trong tương lai có điện hạt nhân, điện gió hay điện mặt trời…).

Nếu “nhà đèn” thiết lập được mạng lưới truyền tải thông minh có thể “báo cáo” chi tiết như vậy cho khách hàng, đồng thời cung cấp các giải pháp tối ưu (chẳng hạn như lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà, gắn chip điện tử trong các thiết bị gia dụng cho phép vận hành thiết bị ít tốn điện nhất nhưng vẫn đảm bảo tính năng và không làm hư hỏng thiết bị…) thì người sử dụng điện sẽ có động lực quan trọng để thay đổi thói quen tiêu dùng của họ. Cuối cùng, điều không thể thiếu là chính sách giá khác nhau cho các nguồn cung cấp theo hướng ưu tiên cho năng lượng sạch.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục