Mua bán hàng nhái, hàng giả qua mạng - Cơ quan quản lý... bó tay

Quảng cáo công khai
Mua bán hàng nhái, hàng giả qua mạng - Cơ quan quản lý... bó tay

Hoạt động mua bán hàng “fake” (tên gọi chung của các loại hàng nhái, hàng giả) phổ biến trên mạng, dịp mua sắm cuối năm nay lại càng nhộn nhịp hơn. Việc hàng fake được quảng cáo, mua bán công khai đang thách thức các cơ quan chức năng.

Quảng cáo công khai

Chị Ngọc Trang, nhà ở đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh TPHCM), một người có nhiều năm kinh nghiệm “săn” hàng fake qua mạng, cho biết: “Sở hữu những sản phẩm thời trang hàng hiệu, đắt tiền là mơ ước chung của rất nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ tiền để chi trả cho những món đồ xa xỉ đó. Do đó, hàng fake là lựa chọn hàng đầu của nhiều người, với mức giá bình dân trong khi kiểu dáng, mẫu mã không khác gì hàng thật”.

Cũng theo chị Trang, hàng fake xuất hiện ngày càng nhiều, phong phú và đa dạng về chủng loại. Từ túi xách, bóp, quần áo đến nước hoa, mỹ phẩm, thậm chí điện thoại di động của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Điều đáng nói là giá cả của các loại sản phẩm này khá “mềm”, trung bình chỉ từ vài trăm ngàn đến 1-2 triệu đồng/sản phẩm. Song không phải ai cũng dám mua hàng fake, vì chất lượng và giá cả rất vô chừng.

Mẫu quảng cáo hàng fake Louis Vuitton của Milan shop. Ảnh: THANH THU

Mẫu quảng cáo hàng fake Louis Vuitton của Milan shop. Ảnh: THANH THU

Hàng fake trên thị trường hiện nay được tạm chia làm 6 cấp độ. Trong đó, các loại hàng super fake và fake 1 cao cấp nhất, giá dao động 1-3 triệu đồng/sản phẩm, thường có xuất xứ từ Singapore, Hồng Công, Macau. Khách hàng khi mua các loại sản phẩm này có thể tạm hài lòng về chất lượng vì nhái gần giống hàng chính hãng. Riêng các loại hàng fake 2, 3, 4 và 5, giá cả “mềm” hơn nhưng chất lượng… “hên xui”, phụ thuộc vào “lòng hảo tâm” của người bán. Trên trang web enbac.com, cửa hàng fake hoạt động rầm rộ nhất phải kể đến là Milan shop, với lời chào mời rất hấp dẫn: “Hàng super fake LouisVuitton, nhập khẩu từ Hồng Công, đạt chuẩn chất lượng đến từng chi tiết…”.

Còn trên trang web 123mua.com, Meo’s shop cũng được quảng cáo là cửa hàng “chuyên cung cấp sỉ và lẻ hàng fake siêu chuẩn LV Gucci BBR”. Song đáng chú ý nhất là những lời chào mời hấp dẫn trên trang clickme.vn: “Áo thun cá sấu giá cực sốc 18.000 đồng”, “Sơmi nữ hàng hiệu cao cấp, hiệu Polo, Yaro giá cực rẻ 27.000 đồng”… Phương thức mua hàng của các trang web trên đều giống nhau. Nếu đồng ý mua hàng qua mạng, người mua được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của người bán, sau đó hàng sẽ được chuyển đến tận nhà theo đường bưu điện. Trường hợp người mua muốn xem hàng trực tiếp thì phải đăng ký qua mạng để nhận lịch hẹn, đến chọn hàng và thanh toán trực tiếp.

Nhộn nhịp bán... mua

Hiện nay, chỉ cần gõ từ khóa “hàng Louis Vuitton fake” trên Google, sẽ có hơn 50.000 kết quả hiện ra. Riêng đối với từ khóa “hàng fake”, người tìm kiếm cũng nhận được vô số trang web giới thiệu và các địa chỉ cửa hàng. Trên một số website chuyên về mua sắm như muare.vn, chodientu.vn, kenhmuaban.vn, raovat.xalo.vn, vatgia.com, hoạt động quảng cáo, mua bán hàng fake diễn ra hết sức nhộn nhịp. Không một nhãn hiệu thời trang hay công nghệ điện tử nào vắng mặt, từ LV, Gucci, Chanel, Herme’s, Lancome cho đến Nokia, Samsung… Điều đáng nói là những mẫu quảng cáo này đều được xuất hiện một cách công khai trên các website mua bán được cấp phép hoạt động chính thức, với số lượt người truy cập lên đến hàng chục ngàn người/ngày.

Hàng fake còn tấn công vào một số hệ thống mạng xã hội đang rất phổ biến hiện nay như facebook, blog, multiphy… Thậm chí một số người đã tạo lập được “thương hiệu” riêng nhờ việc bán hàng fake qua mạng như Lan Túi, chuyên bán hàng fake của Chanel, Herme’s, hay Hoàng trên trang web enbac.com bán hàng nhái hiệu Louis Vuitton. Chất lượng và giá cả của các loại sản phẩm này rất vô chừng, thường được mua nhanh bán gọn thông qua “hợp đồng miệng” giữa hai bên, nên việc xảy ra “sự cố” là khó tránh.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hình thức bán hàng qua mạng hiện rất khó quản lý. Muốn bắt phạt phải có hàng hóa cụ thể, trong khi hầu hết người bán chỉ đưa hình ảnh lên mạng, không có “vật chứng” đi kèm. Một vấn đề đặt ra là trong khi nhà nước đang kêu gọi người dân nói “không” với hàng nhái, hàng giả thì các hoạt động mua bán dòng hàng này vẫn diễn ra nhộn nhịp và công khai, bất chấp sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng!

THU TÂM 

Tin cùng chuyên mục