Mưa bão sẽ khốc liệt và khó đoán

Đó là nhận định của Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLB) Cao Đức Phát tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh thành cả nước. Trước đây, bộ phận theo dõi mưa bão chỉ hoạt động theo mùa, gọi là “mùa mưa bão”, thường là vào nửa cuối năm, nhưng mấy năm qua, tháng giêng đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới (2013), tháng 4 đã xuất hiện bão (2012)…
Mưa bão sẽ khốc liệt và khó đoán

Đó là nhận định của Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLB) Cao Đức Phát tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh thành cả nước. Trước đây, bộ phận theo dõi mưa bão chỉ hoạt động theo mùa, gọi là “mùa mưa bão”, thường là vào nửa cuối năm, nhưng mấy năm qua, tháng giêng đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới (2013), tháng 4 đã xuất hiện bão (2012)…

  • Thiệt hại 1,48% GDP/năm

Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, nét nổi bật của việc PCLB 5 năm qua là thiệt hại về người giảm. Với quan điểm lấy phòng ngừa là chính nên mặc dù thiên tai 5 năm qua diễn ra theo xu hướng khốc liệt và bất thường hơn hẳn 5 năm trước đó. Số người chết và mất tích trong 5 năm (2008-2012) là 1.868 người, giảm 162 người so với 5 năm trước đó (7,9%). Số người bị thương là 2.927 người, giảm 607 người (16,9%). Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là vùng giảm nhiều nhất thiệt hại về người. Năm 2011 lũ lớn tương đương năm 2000, nhưng số trường hợp chết và mất tích là 89 người (có 75 trẻ em) so với 481 người chết và mất tích (335 trẻ em) năm 2000.

Đây là hiệu quả thiết thực chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ cũng như việc quản lý trẻ em từ các điểm trông giữ trẻ tập trung và dạy bơi cho trẻ em. Ngay cả thiệt hại về người ở vùng ven biển trong mùa mưa bão cũng giảm ở mức thấp. Đó là kết quả chủ động chuẩn bị ứng phó của các địa phương chu đáo hơn, kiên quyết hơn. Ngoài ra, phương tiện dự báo được đầu tư khá tốt nên dự báo khá chính xác để chính quyền và người dân có thời gian chuẩn bị.

Thi công đê bao phòng chống lũ lụt tại TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Thi công đê bao phòng chống lũ lụt tại TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Tuy nhiên, cũng theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra không giảm mà có xu hướng tăng. Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại 5 năm qua trên 73.900 tỷ đồng, tương ứng với 1,48% GDP/năm, trong đó, năm thấp nhất là 2011 với 0,94% GDP và năm cao nhất là 2099 với 2,47% GDP. Nếu so với giai đoạn 2003-2008, tỷ lệ này là 1,08%. Điều lo ngại, không ít dự án về PCLB thiếu vốn nên chậm thực hiện hay hoàn thành.

  • Chủ quan - nguyên nhân chưa được khắc phục

Biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ qua việc làm cho những “quy luật” trước đây không còn chính xác nữa. Thông thường đầu mùa, mưa bão xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, sau đó di chuyển xuống các tỉnh miền Trung và cuối mùa mưa bão (tháng 10-11) dịch dần vào phía Nam, chủ yếu là khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Thế nhưng giờ đây, đầu mùa mưa bão xuất hiện ở Nam bộ, kể cả các tỉnh ĐBSCL (bão số 1 - Pakhar, cuối tháng 3, đầu tháng 4-2012), cuối mùa bão lại dịch chuyển ngược ra hướng Bắc như cơn bão Sơn Tinh (tháng 10) gây thiệt hại nặng nề 3 địa phương Nam Định, Thái Bình và TP Hải Phòng. Mùa mưa bão ngày càng không còn rõ nét, hầu như lúc nào cũng có thể xuất hiện, ngay cả khu vực được xem “an toàn” như ĐBSCL. Ngoài ra, do kinh tế phát triển nên thiệt hại vật chất do thiên tai gây ra ngày càng lớn, cho dù số người chết hay mất tích giảm.

Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, nguyên nhân sâu xa nhất gây ra thiệt hại là do sự chủ quan của con người. Không ít trường hợp người chết sau bão vì lũ quét do bất cẩn, chủ quan của cả người dân lẫn chính quyền địa phương khi chỉ chú trọng phòng chống mưa bão ở ngoài biển mà quên “hậu mưa bão” sẽ là vùng đồi núi, nơi thường xuất hiện các trận lũ quét nếu mưa lớn và tập trung.

Ngoài ra, do diện tích rừng bị giảm nên thời gian xuất hiện đỉnh lũ ở vùng núi thường rất nhanh, chỉ sau 2-3 giờ thay vì 1-2 ngày như trước đây nên gây ra những thiệt hại về người và vật chất lẽ ra không đáng có. Sự chủ quan gây hậu quả nặng nề còn do không ít lãnh đạo địa phương, đặc biệt là các ngành bị bất ngờ trước sự di chuyển bất thường của các cơn bão. Cơn bão Sơn Tinh cuối năm 2012 là bài học cho nhiều địa phương khi đường đi rất phức tạp, không theo quy luật nào. Ban đầu dự báo đổ bộ vào Thanh Hóa nhưng lại vòng ngược ra các tỉnh phía Bắc vào giờ chót.

Trước đó, tại buổi triển khai công tác PCLB, tìm kiếm cứu nạn ở TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí nhấn mạnh, là một trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp lớn của cả nước, nếu bão vào TP thì con số thiệt hại sẽ không thể lường được. Nhưng vẫn có lãnh đạo đầu ngành cho rằng bão sẽ không vào TP. Đây là suy nghĩ quá chủ quan, đã mấy lần bão từng “quẹt” vào huyện Cần Giờ nên việc bão đi sâu vào nội thành TP là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng ngay cả bão không vào TP mà đổ bộ vào vùng Đông Nam bộ cũng sẽ là tai họa cho TP, bởi TPHCM là vùng hạ du của nhiều hồ thủy lợi và thủy điện như Dầu Tiếng, Thác Mơ, Trị An, Hàm Thuận - Đa Mi… nếu bão đổ bộ khu vực này, gây ra mưa tập trung với lưu lượng lớn, một khi việc phối hợp không đồng bộ, các hồ đồng loạt xả lũ thì người dân nội thành phải lên lầu 2 để ở.

Vì vậy TPHCM luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ nên phải chủ động, có phương án chuẩn bị ứng phó, đặc biệt là không chủ quan. Theo Phó Chủ tịch Lê Minh Trí, những tình huống lụt bão vừa qua cho thấy, việc phối hợp chưa rõ ràng, còn nhiều lúng túng là điều phải nhanh chóng khắc phục. Cần phải thiết lập cho được sơ đồ cơ chế trách nhiệm và phân công, phân cấp rõ ràng cũng như sự phối hợp giữa các bên, giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng chuyên môn từ TP. Nếu làm tốt sẽ huy động được nguồn lực tốt nhất để giảm thiểu tác hại khi xảy ra thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay có khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, cao hơn trung bình nhiều năm, trong số này, 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong khi đó, tình hình khô hạn còn tiếp tục và có xu hướng mở rộng ở Nam bộ. Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng ở vùng ĐBSCL sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4. Mưa chuyển mùa ở Nam bộ nhiều khả năng xuất hiện vào cuối tháng 4, đến đầu tháng 5 bắt đầu mùa mưa.

* Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm và cứu nạn cho biết, chuẩn bị hạ thủy tàu cứu hộ thứ 2 có máy bay trực thăng, có thể chạy xa 2.000 hải lý. Hiện đang thương lượng để đóng thêm 6 chiếc trong thời gian tới.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục