Là “thủ phủ” của cây cà phê Robusta, thời điểm này đi đâu ở Đăk Lăk cũng thấy người dân phơi hạt cà phê trên sân nhà, ngoài đường hay ở bất kỳ nơi nào có thể. Nhưng điều đó không có nghĩa ở đâu cũng có thể trồng cà phê, nhất là vùng đồi dốc, ít nguồn nước hay đất bạc màu. Có nơi như ở xã Ea Sar, huyện Ea Kar hay xã Yang Tao, huyện Lăk người dân loay hoay trồng nhiều loại cây như cà phê, hồ tiêu, sắn (khoai mì), mía, bắp lai, điều… nhưng luôn bấp bênh. Tương tự, với 60.000ha dừa của tỉnh Bến Tre, nếu chỉ độc canh, thu nhập bình quân chỉ khoảng 50 triệu đồng/năm/ha với giá 8.000 đồng/trái. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ, những khu vực chỉ có thể trồng cây điều đa phần là dân nghèo, vì thu nhập thấp, 20 - 30 triệu đồng/ha/năm tùy theo giá bán điều thô. Do vậy, việc xen canh cây ca cao vào vườn điều là giải pháp khả thi giúp ổn định đời sống người dân những khu vực này.
Ở Đăk Lăk còn một số cây ca cao cổ thụ 30 - 40 tuổi, có cây cho 200kg trái tươi. Ở Bến Tre từng trồng ca cao vào thập niên 1960, ở Quảng Ngãi vào thập niên 1980. Điều đó cho thấy, ca cao đã được trồng và tỏ ra phù hợp ở nhiều nơi nhưng do chưa gắn kết với thị trường nên thất bại. Với nhà khoa học, ca cao không phải là cây trồng mới, nhưng với người dân thì ngược lại. Do vậy, khi trồng, người dân vẫn thường hay áp dụng thói quen chăm sóc cây cà phê, dừa hay điều vào cây ca cao, dẫn đến hậu quả không như mong muốn, và luôn so sánh khi có vấn đề phát sinh. Điều này cho thấy tâm lý người dân chưa an tâm khi chuyển qua cây trồng mới. Lợi thế của cây ca cao là thích hợp nhiều vùng đất, nhất là vùng khô cằn và là lựa chọn số 1 khi vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn nước khan hiếm.
Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk, ngoài những vùng đất bạc màu, đồi dốc, phần diện tích cà phê già cỗi tăng dần qua mỗi năm cũng là bài toán đặt ra không chỉ tỉnh nhà mà cả khu vực Tây Nguyên. Bởi việc tái canh cà phê già cỗi thực sự là vấn đề lớn của cả khu vực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất bại. Tỷ lệ thành công việc tái canh hiện nay ở mức 50%. Vì vậy, Công ty Cà phê - Ca cao Tháng 10 chuyển qua trồng hơn 160ha ca cao (huyện Krông Păk), sau khi thất bại tái canh cà phê, là quyết định đúng và được Bộ NN-PTNT xem là mô hình để chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi không phù hợp tái canh cây cà phê.
“Dù không phải cây trồng mới, nhưng để cây bắp lai có thể khẳng định vị thế trong tâm thức, nông dân đã phải cần trên 10 năm”. Đó là phát biểu của ông Huỳnh Quốc Thích tại buổi gặp gỡ báo chí tuần qua về việc phát triển cây ca cao. Vì vậy, không vội kết luận về hiệu quả ca cao khi có sự chậm chạp trong phát triển. Ở đây cũng cần thời gian để “mưa dầm thấm lâu”. Mỗi cây trồng đều có sâu bệnh, cách phòng trị cũng như cách chăm sóc khác nhau. Điều quan trọng là nông dân phải chuyên nghiệp mỗi loại cây trồng theo hướng thâm canh để có năng suất cao và chất lượng tốt.
ĐĂNG LÃM