Một lần nữa lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ 5 bị hoãn lại khi giấy mời cũng như lịch tổ chức sự kiện đã được công bố rộng rãi. Có thể nói, đây là một mùa giải “sóng gió” bởi trước, trong và ngay khi danh sách các tác giả, tác phẩm và cụm tác phẩm đoạt giải thưởng được công bố, liên tục xuất hiện các đơn khiếu nại, các bản bổ sung danh sách giải thưởng, các đề nghị xét lại…
Nhiều bất cập…
Theo quyết định được Chủ tịch nước ký ngày 5-1-2017, về trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 10 tác giả, cố tác giả và trao Giải thưởng Nhà nước cho 56 tác giả, đồng tác giả, 11 cố tác giả có đóng góp xuất sắc cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà với danh sách công bố kèm theo, đã ngay lập tức xuất hiện nhiều dư luận. Lần đầu tiên danh sách bị gạt lại chiếm tới 1/3 số hồ sơ được đưa lên trình xét tặng. Có lẽ chưa lần xét tặng nào số hồ sơ sau khi đã lọt qua 3 vòng xét là hội đồng cấp cơ sở, hội đồng chuyên ngành và hội đồng cấp Nhà nước lại bị vướng nhiều như vậy.
Hai nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn
Phần xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh có 8 trường hợp và Giải thưởng Nhà nước có 31 hồ sơ. Nhìn vào danh sách những hồ sơ bị để lại có khá nhiều tên tuổi nổi tiếng với những tác phẩm đã đi vào lòng công chúng như Gửi em ở cuối sông Hồng, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, Vầng trăng Ba Đình… của nhạc sĩ Thuận Yến; hay chùm ảnh Những khoảnh khắc để lại của tác giả Lương Nghĩa Dũng…
Lên tiếng về sự việc này, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cho biết: khúc mắc ở đây chính là tiêu chí giải thưởng. Trong Nghị định 90 thì tiêu chí thứ 3 dành cho xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật chính là tác phẩm phải có giải thưởng.
Việc các tác giả bị “gạt” lại vì thiếu giải thưởng đã khiến nhiều gia đình của các tác giả cảm thấy ngậm ngùi. Một số đơn đã được các gia đình nghệ sĩ gửi tới cơ quan chức năng. Việc những nghệ sĩ có đóng góp lớn cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà nhưng không được trao tặng giải thưởng đã gây tổn thương cho nghệ sĩ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cũng cho rằng: “Tiêu chí phải có giải thưởng chỉ là một tiêu chí để hội đồng xét tặng. Nếu chỉ xét về mặt giải thưởng thì đâu cần phải có tới 3 cấp hội đồng. Những thành viên trong hội đồng xét tặng sẽ phải xem xét nhiều yếu tố khác mà quan trọng là căn cứ vào giá trị của tác phẩm, sự đóng góp của tác giả đối với ngành nghề của mình...”.
Trước sự việc này Bộ VH-TT-DL đã khẳng định “không buông lơi” và tiếp tục báo cáo trình Chính phủ với các trường hợp chưa được xét tặng trao giải thưởng lần này và liên tiếp các ngày sau đó bộ có trình lên các trường hợp đề nghị được xét lại. Cho tới thời điểm hiện nay đã có 11 hồ sơ được trình xét lại, song có lẽ điều này vẫn chưa đủ để vực lại những ồn ào trước lễ trao giải.
Ba cấp hội đồng để làm gì?
Liên quan tới việc xét giải thưởng cao quý này, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Thủ tướng về những bất cập trong lần đầu thực hiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nói rõ, hiện có 7 hồ sơ, trong đó có nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Thuận Yến… chưa được xem xét Giải thưởng Hồ Chí Minh vì không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp (vì điều kiện chiến tranh nên không tổ chức được các cuộc thi).
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ VH-TT-DL nghiên cứu sửa đổi nghị định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, trong đó bổ sung quy trình để hội đồng xét tặng các danh hiệu này báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt trước khi trình Chủ tịch nước quyết định. Các trường hợp đặc biệt này là các tác giả, tác phẩm không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp do điều kiện chiến tranh hoặc tác giả đã mất nhưng có những tác phẩm nổi tiếng được xã hội tôn vinh.
Thủ tướng nói rõ, những tác giả thực sự có đóng góp cho xã hội, cho dân tộc, nhất là những người đã qua đời thì càng phải chú ý tôn vinh. Tuy nhiên, trong danh sách đề nghị xét tặng do Bộ VH-TT-DL vừa gửi lên cơ quan cấp trên thì toàn bộ là các trường hợp có bổ sung giấy chứng nhận giải thưởng từ các hội chuyên ngành. Chưa xuất hiện trường hợp đặc biệt nào.
Dư luận không thể không đặt câu hỏi vậy 3 cấp hội đồng có thực sự làm việc nghiêm túc và minh bạch như đã nhiều lần công bố hay không, khi mà tới thời điểm ngày trao giải đã cận kề, mọi thông tin về danh sách những tác giả có công trình, tác phẩm trao giải được công bố rồi mới gửi bổ sung hồ sơ. Liên tiếp các hội nhà văn, hội sân khấu, hội nhạc sĩ, hội văn nghệ dân gian… gửi bổ sung giấy chứng nhận về giải thưởng của các hội viên của mình. Điều này kéo theo việc Bộ VH-TT-DL cũng liên tiếp trình lên cấp cao hơn danh sách đề nghị được xét tặng “lại” giải thưởng khi mà danh sách tặng giải thưởng đã công khai…
Thiết nghĩ, sau lễ trao giải năm nay, cùng với việc tổ chức một hội nghị để lắng nghe, rút kinh nghiệm, tiếp thu sau 2 năm thực hiện 3 nghị định về xét tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cũng cần phải tính đến trách nhiệm của các thành viên của ba cấp hội đồng khi không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy giải thưởng mới thực sự phát huy được ý nghĩa cao quý vốn có.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký tờ trình số 48/TTr- HĐGT và 49/TTr-HĐGT trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 9 tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm đủ điều kiện. Cụ thể, Bộ VH-TT-DL đã trình Thủ tướng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2016 cho tác giả Đoàn Hữu Công, nhạc sĩ Thuận Yến. Ngày 2-3-2017, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bổ sung giấy chứng nhận giải thưởng cho nhạc sĩ Thuận Yến, như vậy, cụm tác phẩm của nhạc sĩ đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước. Cùng đó, bộ trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 8 tác giả gồm: Trần Lâm Biền (Trần Lâm, Tuệ Lâm), Trần Viết Bính (Trần Việt), Nguyễn Thành Đại (Từ Lương), Nguyễn Thị Tài Hồng (Lê Minh), Phạm Vũ La (Hoàng Luyện), Hoàng Anh Nhân, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Vinh (Quang Vinh). Trước đó ngày 14-2, bộ cũng có tờ trình đối với trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn. |
MAI AN
>> Hoãn lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật