Chương trình bình ổn tiếp tục không sử dụng vốn ngân sách nhà nước nên nhận được sự ủng hộ của các cơ quan ban ngành trung ương, sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị và được người dân thành phố tin tưởng. Nhờ vậy, tổng doanh thu lũy kế 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7-2017) đạt 305,4 tỷ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ.
Để đáp ứng nhu cầu học sinh mùa khai giảng, chương trình năm nay tiếp tục thực hiện bình ổn đối với 4 nhóm hàng, 553 mẫu sản phẩm (53 mẫu tập học sinh, 228 mẫu cặp - ba lô - túi xách, 264 mẫu đồng phục học sinh, 8 mẫu giày, dép). Theo tính toán, lượng hàng bình ổn chiếm từ 35% - 50% nhu cầu mua sắm của phụ huynh và học sinh, sinh viên.
Phụ huynh và học sinh chọn mua học cụ trong khuôn khổ Ngày hội mùa khai trường quận Gò Vấp năm 2017. Ảnh: Hồ Lâm
Qua theo dõi tình hình thị trường cho thấy, sức mua các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm nay tăng 5% so với mùa tựu trường năm ngoái. Tại các DN bình ổn, nhờ mẫu mã sản phẩm đa dạng, chất lượng, giá cả thấp hơn thị trường từ 10% - 15% nên doanh thu bán hàng của DN năm nay tiếp tục tăng trưởng gần 20% so cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng tăng trưởng thấp hoặc giữ mức doanh thu tương đương năm trước như cặp học sinh.
Theo các DN, trong năm 2017, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng dành cho năm học mới có nhiều thay đổi. Nếu những năm học trước, nhu cầu thường tăng đột biến trong tháng 8 thì năm nay rải đều qua các tháng. Cụ thể, mặt hàng cặp học sinh chủ yếu tăng vào thời điểm tháng 4, khi các trường bắt đầu mua quà thưởng cuối năm học; tập học sinh tăng vào thời điểm 10 - 20 ngày trước khai giảng; chỉ riêng mặt hàng giày không tăng vào thời điểm đầu năm học do thời điểm này, phụ huynh có nhiều khoản chi phí (học phí, phụ phí, đồng phục…) nên thường tập trung mua vào dịp Tết Dương lịch hoặc gần Tết Nguyên đán do tâm lý mua giày về sử dụng cả năm.
Sau 7 năm triển khai thực hiện CTMKG xuyên suốt đã tạo được uy tín, thương hiệu và thu hút nhiều DN tham gia; trong đó có nhiều DN thương hiệu uy tín, có hệ thống phân phối rộng, góp phần phát triển, mở rộng mạng lưới bán hàng trong chương trình. Các mẫu tập học sinh, mẫu cặp - ba lô - túi xách, đồng phục học sinh, giày, dép được sản xuất 100% tại Việt Nam, không còn phải nhập khẩu, phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước lân cận.
Bên cạnh đó, công tác giới thiệu, phân phối hàng bình ổn đến tận tay sinh viên, học sinh đã được Sở Công thương và Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với UBND các quận huyện tổ chức thường xuyên, thông qua ngày hội khai trường như tại các quận 1, 3, 5, 7, 10, 12, Gò Vấp, Tân Bình. Riêng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trương Vui còn tổ chức bán hàng lưu động tại các trường học theo yêu cầu của các quận, huyện nhằm chiết khấu trực tiếp vào giá bán của sản phẩm vì không qua trung gian, do vậy giá bán thấp hơn nhiều so với giá niêm yết trên sản phẩm.
Ông Võ Lê Bích Đồng, Phó phòng Quản lý thương mại Sở Công thương, cho biết từ nay đến thời điểm nhập học chính thức (ngày 5-9), Sở Công thương tiếp tục kiểm tra, đôn đốc DN tăng cường hoạt động sản xuất hàng hóa để đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng phục vụ mùa khai giảng, đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên thị trường. Mặt khác, sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định chương trình, điểm bán, quản lý hàng hóa, giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.