Mưa lớn, các hồ thủy điện ở miền Bắc xả lũ

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 12-7, mưa lũ ở miền Bắc đã làm 14 người chết và mất tích.
Tuy nhiên, mưa lũ vẫn đang kéo dài trên diện rộng và diễn biến phức tạp, lượng nước lũ về hồ thủy điện Tuyên Quang là 2.100m³/giây, lớn hơn lưu lượng hồ xả ra. Vì vậy, tổ vận hành các hồ chứa đã đề xuất mở thêm cửa xả hồ Tuyên Quang để cân bằng lượng nước về hồ, đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du.
Mưa lớn, các hồ thủy điện ở miền Bắc xả lũ ảnh 1 Hồ Tuyên Quang phải mở thêm cửa xả để cân bằng lượng nước về hồ. Ảnh minh họa
Vừa qua, khi hồ Tuyên Quang xả lũ đã làm đứt neo một cầu phao và làm trôi một số lồng bè nuôi trồng thủy sản ở hạ du. Ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, mưa vẫn kéo dài, nhiều nơi ở Tây Bắc bộ và Đông Bắc bộ tiềm ẩn nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét. Ngày 12-7, hồ Tuyên Quang đang mở 2 cửa xả đáy. Các hồ Lai Châu, Bản Chát đã đóng các cửa xả tràn; hồ Huội Quảng đang mở một cửa xả tràn. 
Chiều 12-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương tiếp tục thông báo tình hình mưa lớn trên diện rộng ở nhiều khu vực với lượng mưa khoảng 120-138mm. Mưa lũ sẽ còn kéo dài đến ngày 16-7 ở Bắc bộ. Tại Nam bộ, Tây Nguyên cũng sẽ có mưa vừa, mưa to từ đêm 12-7 đến 16-7, thời tiết xấu.
° Ngày 12-7, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã có công điện gửi công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an yêu cầu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Theo đó, công an các địa phương, đơn vị phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi mưa lũ để cảnh báo cho các hộ dân biết. Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Huy động lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả và công tác cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Đồng thời, bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, nơi giam giữ do Bộ Công an quản lý; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng công an canh gác, bảo vệ. 
Cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ 17 gia đình ở Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên có nhà bị sập, trôi, mỗi gia đình 3 triệu đồng và hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng (3 triệu đồng/người chết). Đồng thời hỗ trợ 28 nhà bạt dựng tạm cho bà con bị cuốn trôi nhà ở tạm thời. Tổng giá trị đợt cứu trợ khẩn cấp của Trung ương Hội Chữ thập đỏ cho các tỉnh miền núi phía Bắc gần 150 triệu đồng. 
 Tính đến 16 giờ ngày 12-7, có 230 ngôi nhà tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên và Văn Yên (Yên Bái) bị sập và tốc mái, trong đó 12 nhà bị sập hoàn toàn, 188 nhà bị hư hỏng do sạt lở taluy, di dời khẩn cấp người và tài sản 30 nhà.

Tin cùng chuyên mục