(SGGP). – Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng tại các địa phương vùng lũ ĐBSCL, nhất là đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu.
Cuối tuần qua, tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở bờ sông Hậu tại ấp Bình Yên, Bình Thiện và Hòa Bình, làm 21 hộ dân phải di dời khẩn cấp, hàng chục hộ nằm trong khu vực rất nguy hiểm. Huyện Châu Phú nhanh chóng hỗ trợ 21 hộ di dời khẩn cấp và di dời toàn bộ 60 hộ dân vùng sạt lở ven sông xã Bình Thủy vào cụm dân cư vượt lũ.
Theo Ban Chỉ huy PCLB huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ sạt lở ven sông Tiền và dãy cù lao Long Phú Thuận nằm giữa đầu nguồn sông Tiền. Sạt lở đã cuốn trôi hơn 17.000m2 đất ở và đất sản xuất, hoa màu; 3 căn nhà tuột xuống sông; 40 hộ dân phải di dời khẩn cấp, tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Hiện hàng loạt điểm nóng có nguy cơ tiếp tục sạt lở tại các xã Phú Thuận B, Long Khánh A, Long Thuận, Thường Phước 2… tổng chiều dài gần 20km. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, huyện Hồng Ngự đã di dời hơn 300 hộ dân vào nơi an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn nhiều điểm nóng sạt lở như: phường An Lạc (TX Hồng Ngự), 2 xã cù lao Tân Bình, Tân Quới (huyện Thanh Bình), Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh), Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), xã An Hiệp (huyện Châu Thành). Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bị đe dọa, do đó cần được di dời vào các cụm tuyến dân cư.
Hơn 30 hộ dân sinh sống tại Cồn Sơn trên sông Hậu, thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cũng đang bị đe dọa bởi nạn sạt lở gia tăng. Nhiều khu vực đất, đường giao thông lở từng mảng lớn xuống sông, tạo hàm ếch ăn sâu vào bờ rất nguy hiểm. Tình trạng càng phức tạp hơn khi nước lũ từ thượng nguồn đang đổ về nhiều. Mỗi năm, sạt lở cuốn trôi 2 ha đất ở Cồn Sơn.
BÌNH ĐẠI