Công nghệ radar xuyên đất đã khẳng định tính hiệu quả trong việc dò tìm hố lún sụp và chính PGS-TS Nguyễn Thành Vấn, Trưởng bộ môn Vật lý Địa cầu, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM là một trong những nhà khoa học đã đề xuất áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ radar xuyên đất của nhà khoa học này khó thành hiện thực vì… không thể giải ngân.
Khẳng định tính hiệu quả
Trong năm 2010, hàng loạt hố lún sụp xuất hiện tại TPHCM, gây ảnh hưởng đến an toàn tài sản và thậm chí đe dọa tính mạng người dân. Tại hội thảo khoa học tìm giải pháp khắc phục hiện tượng hố lún sụp xảy ra trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày 12-1-2011, do Sở KH-CN, Sở GT-VT và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tổ chức, PGS-TS Nguyễn Thành Vấn đã chính thức đề nghị sử dụng radar xuyên đất để nghiên cứu hố lún sụp.
Với những cơ sở khoa học thực tiễn khá thuyết phục đưa ra tại hội thảo, các nhà khoa học được mời đến để thẩm định đã đánh giá cao giải pháp này. Ngay sau đó, Sở KH-CN TPHCM giao cho bộ môn Vật lý Địa cầu, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình vận hành thiết bị, thu thập, xử lý, minh giải số liệu radar xuyên đất để xác định các hố ngầm và một số công trình ngầm trên địa bàn TPHCM”.
Để thực hiện đề tài, PGS-TS Nguyễn Thành Vấn đã cùng các nhà khoa học thuộc Bộ môn Vật lý địa cầu, phối hợp với Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa lý và tài nguyên, Trung tâm Địa vật lý - Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam và các chuyên gia đến từ Trường ĐH Khoa học và công nghệ Krakow (Ba Lan) tiến hành khảo sát radar xuyên đất tại một số vị trí trên địa bàn TPHCM, bằng các thiết bị radar Pulse Ekko (Canada) của Viện Vật lý địa cầu và thiết bị Ramac (Thụy Điển) của Krakow. Các kết quả thu thập đang được xử lý và minh giải để kịp báo cáo nghiệm thu.
Tại hội thảo nói trên, Sở KH-CN TPHCM khẳng định, radar xuyên đất là giải pháp khả thi nhất trong việc dò tìm, phát hiện hố, công trình ngầm. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, các nhà khoa học hoàn thiện giải pháp, đồng thời kiến nghị UBND TPHCM cấp kinh phí mua sắm thiết bị, nhằm xử lý triệt nguy cơ sụp lún lòng đường, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Không thể giải ngân
Gần nửa năm trôi qua, các công tác chuẩn bị cho việc ứng dụng công nghệ radar xuyên đất dò tìm hố lún sụp đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đến khi ĐH Khoa học tự nhiên đồng ý mua radar xuyên đất lại vướng Kho bạc nhà nước, vì đơn vị này cho rằng số tiền đầu tư trên không thể giải ngân do cả nước đang thực hiện kiềm chế lạm phát...
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết, khi đề tài trên được xét duyệt thì không đề cập đến việc mua thiết bị, tức là việc mua radar xuyên đất không nằm trong kế hoạch sở giao. Tuy nhiên, việc Trường ĐH Khoa học tự nhiên ủng hộ việc mua radar xuyên đất rất đáng hoan nghênh vì cũng nằm trong kế hoạch riêng của trường. Nếu nhà trường cũng như các cơ quan liên quan có biện pháp hỗ trợ, giải quyết mua radar xuyên đất, đây không chỉ là phương tiện phát hiện hố lún sụp mà còn là phương tiện phát triển ngành khoa học sau này. |
Loại radar mà các nhà khoa học bộ môn Vật lý Địa cầu, ĐH KHTN TPHCM đề xuất mua là máy Detector Duo của hãng IDS (Italia) giá 653 triệu đồng. Về kinh phí mua máy, PGS-TS Nguyễn Thành Vấn cho biết: “Hàng năm, bộ môn Vật lý địa cầu được nhà trường cấp kinh phí để hoạt động. Dù số tiền không nhiều nhưng chúng tôi cố gắng sử dụng thật tiết kiệm, mục tiêu là để dành khi cần dùng đến, đặc biệt là mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy.
Đến khi hố lún sụp xuất hiện và được Sở KH-CN TPHCM giao thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình vận hành thiết bị, thu thập, xử lý, minh giải số liệu radar xuyên đất để xác định các hố ngầm và một số công trình ngầm trên địa bàn TPHCM”, chúng tôi xác định đây là lúc cần phải mua máy. Thế nhưng đến hôm nay, mọi việc diễn ra không như kế hoạch…”.
Theo PGS-TS Nguyễn Thành Vấn, dù cả nước đang đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, kiềm chế lạm phát nhưng việc chi tiền mua thiết bị dò tìm hố lún sụp là điều rất cần thiết, cần được áp dụng cơ chế “mềm”.
Trước thực tế này, cơ quan chức năng cần linh động giải quyết việc mua radar xuyên đất là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ vậy, nó còn là thiết bị phục vụ lĩnh vực khảo cổ, tìm kiếm các vật thể trong các vụ án hình sự và trong cả lĩnh vực giao thông, xây dựng…
BÁ TÂN