Mùa thu, ngày hăm ba…

Mùa thu, ngày hăm ba…

Mặc dù đất nước đã hòa bình thống nhất từ lâu, nhưng mỗi khi mùa thu về, dư âm của hơn 70 năm trước vẫn vang lên trong lòng người Việt, nhất là ở đất phương Nam, qua giai điệu hào hùng từ tráng khúc Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân phương Nam nhịp chân tiến ra trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không/ Mà đoàn người giàu lòng vì nước…”.

Nhân dân Nam bộ trong những ngày kháng chiến năm 1945 - Ảnh tư liệu

Tinh thần xả thân vì nước và đoàn kết một lòng vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là điều mà đối phương phải e ngại khi xâm phạm giang sơn của dòng giống Tiên Rồng. Ngày 23-9-1945, nhân dân Nam bộ với vũ khí thô sơ “nóp với giáo” đứng lên chống quân Pháp tái xâm lược mãi mãi là mốc son lịch sử khó quên.

Khi quân Pháp tái xâm lược, nhân dân Sài Gòn và Nam bộ khởi đầu cuộc kháng chiến trường kỳ từ ngày 23-9-1945, bên cạnh những người cộng sản tiêu biểu như Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Kỉnh, Huỳnh Văn Tiểng,… ở Nam bộ, thì lần lượt nhiều quan lại và trí thức lớn từ trong lẫn ngoài nước hội tụ về nước. Đó là những bậc tài danh từ Nam đến Bắc như Vũ Đình Hoè, Lưu Văn Lang, Trần Đại Nghĩa, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Hưởng, Kha Vạng Cân, Nguyễn Xiển, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Ngọc Thuần, Trần Hữu Nghiệp, Trần Hữu Tước, Lê Đình Chi,… Họ đã bỏ hết gia sản và sự nghiệp công danh để dấn thân vào bưng biền, núi rừng kháng chiến cứu nguy dân tộc. Hình ảnh họ là minh chứng sống động cho hiện thực lịch sử lòng yêu nước của người Việt Nam.

 “Ông vua vũ khí” tài ba Trần Đại Nghĩa lúc sinh thời đã nói: “Không có đất nước nào trên thế giới này phải chống trả mười bốn cuộc xâm lăng như đất nước mình. Nhiều lúc tôi nghĩ vui, giá như Việt Nam là một đảo quốc tách khỏi đất liền, xung quanh biên giới là biển thì hay hơn”. Ông cũng khuyên chúng ta phải luôn cảnh giác trước tư tưởng bá quyền và âm mưu bành trướng của các thế lực đối với cõi bờ tổ tiên để lại.

Lịch sử Việt Nam cho thấy, chỉ khi không thể bảo vệ được chủ quyền đất nước bằng mọi biện pháp hòa bình thì mới sử dụng vũ lực để chống trả. Từng gánh chịu nhiều đau thương mất mát vì chiến tranh nên hơn ai hết người Việt Nam luôn hướng tới hòa bình, luôn muốn giải quyết mọi mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trước khi bắt buộc phải dùng đến súng đạn. Như nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền từng viết: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/ Ta yêu sao làng quê non nước mình/ Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca…”.

Thanh âm quân hành, tinh thần yêu nước ấy là “báu vật” văn hóa truyền đời, vũ khí hữu hiệu đối phó với “những cơn bão lớn” nguy nan đe dọa sự tồn vong của dân tộc: “Khi lịch sử gồng mình trước cơn bão lớn/ Mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương” (Gió dựng thành lũy biên cương). Và đó cũng là bản lĩnh, khát vọng tự do mà hào khí ngày 23-9 mùa thu lịch sử mãi âm vang trong trái tim của con cháu dòng giống Lạc Hồng: “Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn trước/ Xây giang san hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước Nam” (Tạ Thanh Sơn)

Nhân dân Nam bộ trong những ngày kháng chiến năm 1945 - Ảnh tư liệu

MINH TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục