Mùa ra trường sắp đến, vừa hối hả chuẩn bị làm đồ án,khóa luận hay thi tốt nghiệp ĐH-CĐ, các kỹ sư, cử nhân tương lai lại canh cánh nỗi lo sẽ xin việc ở đâu, làm gì? Và, để có việc làm, một bộ phận người lao động (NLĐ), với sự đầu tư của cha mẹ, sẵn sàng bỏ tiền “mua” việc, việc “mua - bán” không chính thức nhưng tồn tại ngấm ngầm dưới các danh nghĩa “quà cảm ơn, tiền trà nước, bồi dưỡng…”.
Khoản tiền đó có khi bằng hoặc nhiều hơn cả số tiền chi phí cho những năm học ĐH-CĐ; nhiều gia đình kinh tế còn khó khăn phải chuẩn bị hàng năm trời, trước khi con em mình ra trường. L.T.T. (27 tuổi), từng cạy cục gia đình bỏ ra 40 triệu đồng lót tay để được nhận vào dạy toán ở một trường THPT gần nhà. T. lý giải, loại trừ rủi ro, chịu bỏ tiền ra sẽ sớm tìm được việc theo đúng ý mình, nếu không “mua”, người khác cũng hớt mất, thà chịu chi cho xong. Cha mẹ T. cũng tự động viên nhau, ráng nuôi con ăn học đến chừng này, thì phải cố lo đến công thành danh toại, chứ biết làm sao!
Những NLĐ sẵn sàng “mua” việc đúng ý mình trong suy nghĩ của họ chỉ đơn giản có được công việc, nhất là đúng chuyên môn, tiện đi lại thì càng tốt. Nhưng, liệu điều đó đã đủ cho thấy đó sẽ là một công việc, một môi trường làm việc tốt hay chưa? Với những người thật sự muốn khẳng định, hoàn thiện mình qua lao động, thì hành động bỏ tiền để “mua” việc, chính là tự làm mất giá trị của mình. Thay vì đơn thuần kiểm tra năng lực, trình độ NLĐ để nhận vào làm việc, trong những trường hợp “mua - bán” này, quyết định của nhà tuyển dụng lại phụ thuộc vào những đồng tiền.
Như thế, năng lực của NLĐ có được đánh giá công bằng và được coi trọng? Trong môi trường làm việc như vậy, liệu sau khi “mua” được việc, suốt quá trình phấn đấu, kết quả làm việc của NLĐ sẽ được nhìn nhận, đánh giá công bằng, hay để đạt được điều gì đó trong công việc, NLĐ lại phải chạy đua mua tiếp, không thoát ra được?
Hậu quả của việc mua bán như thế sẽ nhào nặng ra những NĐL kém bản lĩnh, kém năng lực. Cha mẹ thể hiện tình yêu và trách nhiệm với con cái bằng cách “mua” việc cho con cũng chính là hủy diệt ý chí phấn đấu, tính tự lập và sức sáng tạo của con. Không đi bằng đôi chân của mình, tương lai phụ thuộc vào phao cứu sinh từ cha mẹ, những đứa con dù lớn tuổi vẫn sẽ chậm trưởng thành và bị khuyết tật về nhân cách: “Mua” được việc rồi, những đứa con sẽ coi như yên phận, đóng hộp cuộc đời, không phải phấn đấu nữa.
Các giá trị đích thực của cuộc sống sẽ như thế nào khi tình trạng “mua” việc trở thành phong trào ở nhiều nơi?
Mạnh Hòa