Nâng cao chất lượng nghệ thuật đang là nỗi ưu tư của những nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn múa. Trong những năm qua, màu sắc dân gian dân tộc Việt trong múa bị lu mờ trước hiện tượng sao chép, bắt chước, lai căng theo múa nước ngoài.
Lắp ghép, lai căng
Trong Liên hoan múa TPHCM mở rộng 2011 - liên hoan tôn vinh nghệ thuật múa dân gian dân tộc Việt Nam - vừa diễn ra vào cuối tháng 8, có tác phẩm trình diễn đặc sệt chất liệu, hình thức múa Trung Quốc. Còn ở các sân khấu ca nhạc và trong nhiều chương trình ca múa nhạc trên các kênh truyền hình, múa thường chỉ nhằm vào mục đích minh họa cho bài hát, cho ca sĩ.
Đã vậy, trong nhiều tiết mục, múa minh họa lại chẳng ăn nhập gì với nội dung. Các động tác múa của các vũ đoàn biểu diễn cứ na ná nhau, lặp đi lặp lại, nhiều tiết mục múa được lắp ghép, “đạo” phong cách múa nước ngoài, thiếu sự sáng tạo ấn tượng và chất lượng.
Nói như thế không phải phủ nhận nỗ lực hoạt động nghề của các biên đạo, diễn viên múa trẻ hiện nay nhưng thực tế cho thấy vẫn xuất hiện rất nhiều tiết mục múa thiếu đầu tư, kém chất lượng, phản cảm… Điều đó đã kéo lùi sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.
Vấn đề này càng được khẳng định khi loại hình múa độc lập với các tác phẩm múa nghệ thuật dân gian dân tộc ngày càng mất đi vị thế trong các hoạt động trình diễn. Ngoại trừ những tác phẩm được đầu tư công phu xuất hiện ở các liên hoan, hội diễn nghệ thuật múa chính quy nhưng đa số những tác phẩm tham gia các liên hoan, hội diễn xong thường bị rơi vào quên lãng, hiếm khi trình diễn lại cho công chúng thưởng thức.
Cần sự quan tâm, định hướng
Nghệ thuật múa đậm chất Việt đang teo tóp dần, trái ngược với sự phát triển và hoạt động rầm rộ của các vũ đoàn, các nhóm múa thương mại. Trước tình hình này, chỉ trong quý 3-2011, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM đã liên tục tổ chức 2 buổi tọa đàm về trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy bộ môn múa dân gian dân tộc Việt Nam, nâng cao chất lượng sáng tác múa và đã nhận được rất nhiều trăn trở, lo lắng cùng các ý kiến đóng góp có giá trị của các nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học, nhà giáo, nghệ sĩ, biên đạo…
Các ý kiến cho rằng, cần đánh giá lại thực tế sáng tác các tác phẩm múa hiện nay, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu, giữ gìn và phát huy chất lượng sáng tác - biểu diễn nghệ thuật múa dân gian dân tộc trong giai đoạn văn hóa Việt hội nhập và phát triển cùng văn hóa thế giới…
Từ hai cuộc tọa đàm này, Hội Nghệ sĩ múa sẽ triển khai những hướng đi tích cực nhằm gìn giữ và phát huy chất lượng nghệ thuật múa Việt Nam. Các ý kiến trong hai cuộc tọa đàm còn là nền tảng thúc đẩy Hội Nghệ sĩ múa TPHCM thực hiện một hội thảo về nghệ thuật múa Việt Nam với quy mô lớn hơn trong năm 2012, góp phần thay đổi các hoạt động sáng tác, biên đạo, biểu diễn nghệ thuật múa, hỗ trợ ý tưởng, phương pháp phát huy nghệ thuật múa dân tộc và khẳng định phong cách múa riêng của Việt Nam.
Đặc biệt, những người làm nghề, tâm huyết với nghề luôn mong mỏi cơ quan quản lý văn hóa quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật múa - một loại hình giải trí độc đáo, gần gũi khán giả, được công chúng yêu chuộng.
Thúy Bình