Hôm nay, Quốc hội Israel dù đang trong kỳ nghỉ hè sẽ triệu tập phiên họp bất thường để bàn về tình hình xã hội mấy ngày qua sau khi số người tham gia xuống đường đòi cải cách kinh tế ở khắp các thành phố của Israel đã tăng lên đến hàng trăm ngàn người trong ngày 14-8. Điều gì đã xảy ra ở đất nước có mức tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao thế giới?
Giá sinh hoạt quá cao
Trong cuộc họp nội các cuối tuần qua, Thủ tướng B.Netanyahu hy vọng ủy ban cải tổ sẽ đưa ra những hướng đi tích cực cho Israel vào tháng 9 tới. Ủy ban mà ông B.Netanyahu nhắc đến được thành lập một tuần sau khi 300.000 người Israel ngày 6-8 xuống đường tuần hành tại Tel Aviv yêu cầu chính phủ nước này điều chỉnh giá sinh hoạt quá cao, trong đó chủ yếu là giá nhà, chi phí chăm sóc y tế và giáo dục, cũng như khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên.
Theo một báo cáo gần đây do Viện Nghiên cứu thị trường Jerusalem thực hiện, thuế đánh vào nhà ở của Israel cao hơn 75% so với mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Trong khi đó, thị trường bơ sữa được chính phủ bảo trợ độc quyền đã đẩy giá lên cao vượt quá sức người tiêu dùng.
Israel hiện duy trì Hội đồng bơ sữa-tồn tại dưới dạng một công ty TNHH do nội các Israel lập ra-quyết định số lượng sữa được sản xuất cũng như giá thành. Luật của Israel còn cấm nhập khẩu bơ sữa và tự do cạnh tranh. Chính vì vậy, dưới thời tiết mùa hè nóng như đổ lửa, 2 tháng trước tại Israel đã diễn ra cuộc tẩy chay phomát và những sản phẩm làm từ sữa khác khiến cho các nhà sản xuất phải hạ giá thành.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh đã diễu hành khắp Tel Aviv để phản đối giá trông giữ trẻ quá cao. Nhiều người Israel cho rằng đầu tư của chính phủ vào giáo dục và cơ sở hạ tầng cũng chưa thỏa đáng, trong khi tiền rót cho quốc phòng của Israel quá lớn. Theo một số thống kê, chi phí cho quốc phòng của Israel chiếm 7,5% GDP của nước này trong khi so với cường quốc quân sự như Mỹ, con số này chỉ là 4%. Các bác sĩ và thực tập sinh nội trú tại các bệnh viện ở Israel cũng đã tổ chức một cuộc đình công lớn, kêu gọi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Mong muốn một xã hội công bằng, dân chủ
Trên thực tế, trong thập kỷ qua, Israel được xem là quốc gia thành công trong phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện qua việc Israel vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Năm 2010, GDP Israel đạt mức 5,6%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vào mức 5,4%.
Dự đoán GDP Israel năm 2011 sẽ đạt mức 4,8% và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức thấp 5,7%-những con số mà Mỹ và rất nhiều nước châu Âu thèm khát. Chính vì vậy, các nhà phân tích Israel khẳng định việc chính quyền Tel Aviv điều hành kinh tế yếu kém không phải là nguồn gốc của các cuộc biểu tình trong thời gian gần đây.
Những người biểu tình đòi hỏi phải có một xã hội công bằng, dân chủ hơn. Rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu cảm thấy rằng họ không được lợi gì từ sự phát triển đó và rằng những người giàu có vẫn nắm vai trò chi phối.
Là một quốc gia phát triển như thế nhưng hiện Israel có đến 23,6% dân chúng sống dưới mức nghèo khổ (dưới 7,3 USD/ngày theo tiêu chuẩn của Israel). Những chính sách kinh tế của Israel phần lớn lại làm giàu cho các ông chủ tư bản.
Ví dụ như Chính phủ Israel cho phép các khu định cư Do Thái mọc lên như nấm, một mặt vừa chiếm đất nhưng mặt khác là giúp các doanh nghiệp bất động sản của nước này thu lợi. Bởi không ai tin tốc độ phát triển nhà đến chóng mặt (chỉ một đêm đã có một chung cư cao tầng mọc lên) mà thuế nhà lại có thể tăng quá cao.
Theo AFP, người dân Israel đang mong muốn chính phủ phá bỏ chính sách độc quyền, xem xét lại chính sách kinh tế đang chuyển đổi dần từ mô hình XHCN được xác định ngay từ ngày đầu thành lập Nhà nước Do Thái sang chủ nghĩa tân tự do mà ông Netanyahu đang theo đuổi. Chính sách kinh tế này đang gây ra bất công, làm tăng khoảng cách giàu nghèo ở đất nước phát triển như Israel.
Đất nước Do Thái dường như đang cảm nhận được hơi thở của “mùa xuân Arab” - các cuộc biểu tình đòi cải thiện đời sống ở các nước khu vực Trung Đông.
ĐỖ VĂN (Tổng hợp)