Được xem là “mô hình chuyển giao” thành công nhất trong số các quốc gia ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi trong cuộc cách mạng “Mùa xuân Ảrập”, nhưng hàng loạt bất ổn chính trị và an ninh tại Tunisia đang khiến không ít người quan ngại về nguy cơ quốc gia Bắc Phi tiến gần đến kịch bản của Ai Cập hay một cuộc cách mạng mới, “Mùa xuân Ảrập” 2.0 tại cái nôi của cuộc cách mạng.
Theo Hãng tin Reuters, trong một diễn biến mới nhất, ngày 6-8, Chủ tịch Hội đồng lập hiến Tunisia (NCA) Mustafa Ben Jaafar, thành viên của Ettakatol - một đảng trong Chính phủ liên minh Tunisia - đã quyết định ngừng hoạt động cơ quan này cho đến khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập bắt đầu. Đảng Ennahda đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán, song từ chối giải tán NCA hay bãi nhiệm thủ tướng theo yêu cầu của phe đối lập. Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập tẩy chay các cuộc đàm phán và cho biết họ sẽ không rút lại những yêu cầu của mình. Lãnh đạo đảng cầm quyền Ennahda của Tunisia, ông Najib Mrad, đã gọi hành động này là đảo chính nội bộ.
Nhà phân tích Tunisia Nourdine Mbarki nhận định “cú đấm” mới đây nhất cho thấy tín hiệu về sự phân hóa giữa các lực lượng Hồi giáo và thế tục. Một cuộc khủng hoảng bên trong chính quyền liên minh đã xuất hiện. Đảng Ennahda cầm quyền là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Tunisia, trong khi Ettakatol là đảng theo đường lối thế tục. Đây là vấn đề đã xảy ra tại Ai Cập với cuộc lật đổ tổng thống của người Hồi giáo Mohamed Morsi.
Không chỉ gây sức ép trên nghị trường, với lý do tức giận trước 2 vụ ám sát người trong hàng ngũ của mình, phe đối lập đã cho tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố tại Tunisia nhằm lật đổ chính phủ và NCA. Điều đáng nói là những diễn biến này xảy ra chỉ vài tuần trước khi NCA phải hoàn thành bản dự thảo hiến pháp và luật bầu cử cho phép Tunisia tiến hành các cuộc bầu cử mới vào cuối năm nay.
Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị Tunisia Ben Farhat, việc đình chỉ hoạt động của NCA trong lúc các cuộc biểu tình của quần chúng đang diễn ra có thể gây xáo trộn các quân bài chính trị và đưa Tunisia tới một bước ngoặt mới và nguy hiểm hơn trong cuộc khủng hoảng, nếu phe đối lập và chính phủ vẫn tiếp tục kiên quyết không nhượng bộ. Với đám đông biểu tình đang bị kích động, Tunisia sẽ không thể tránh khỏi các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu. Và khi đó, nguy cơ về một cuộc nội chiến sẽ gia tăng.
Trong lúc tình hình chính trị bất ổn và mâu thuẫn các phe phái gia tăng, Tunisia còn phải đối phó với sự nổi lên của nhóm Hồi giáo thánh chiến Jihad liên quan tới Al-Qaeda lập căn cứ ở sâu trong các thung lũng rậm rạp và những hang ngách ở vùng núi Chaambi giáp Algeria, đe dọa làm chệch hướng tiến trình chuyển tiếp ở quốc gia này. Cuối tháng 7 vừa qua, 8 binh sĩ Tunisia đã thiệt mạng trong vụ giao tranh với khủng bố ở vùng núi được mệnh danh là “thiên đường” cho Al-Qaeda ở Bắc Phi này. Đây cũng là một trong những lý do khiến phe đối lập cáo buộc chính phủ làm chưa đủ mạnh để ngăn chặn khủng bố. Rất nhiều nhà quan sát cho rằng Tunisia đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh nghiêm trọng nhất kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Ben Ali. Chuyên gia Ben Farhat nhận định kịch bản Ai Cập không còn xa xôi và có thể xảy ra nếu cuộc khủng hoảng hiện nay tiếp diễn.
ĐỖ CAO