Mùa xuân biên giới 8: Hạnh phúc màu vàng

Mùa xuân biên giới 8: Hạnh phúc màu vàng

Chương trình “Mùa xuân biên giới” (MXBG) đã đi qua hành trình 8 năm. Từ số vốn ban đầu chỉ 70 triệu đồng cho một chương trình với một thành viên duy nhất là Báo Sài Gòn Giải Phóng, đến năm thứ hai có thêm Báo Công an và Đài Truyền hình TPHCM (HTV) rồi thêm Báo Mực Tím, Viện Tim, Đại học Luật TPHCM. Những nhà báo tham gia chương trình MXBG từ khi còn là những chàng trai, cô gái độc thân vui tính nay đã là những ông bố, bà mẹ trẻ; những sinh viên luật ngày xưa bây giờ đã là những giảng viên, cán bộ quản lý… Suốt 8 năm qua, những người trẻ tuổi đến với nhau để cùng đi tìm hạnh phúc cho mình bằng góp nhặt những niềm vui, hạnh phúc đến từ những chiến sĩ da đen bóng ở những tiền đồn biên cương heo hút, từ những hòn đảo nhỏ cheo leo giữa biển trời mênh mông và từ những nụ cười của hàng ngàn hộ nghèo những nơi họ đến. Từ năm 2009 đến nay, chương trình Mùa xuân biên giới đã hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn tham gia chương trình “Nghĩa tình biển đảo”.

Những nụ cười trên đảo Thanh Niên

4 giờ 30, cửa biển Sông Đốc còn tối om, chỉ có tiếng sóng biển đập vào thành kè của đồn biên phòng Sông Đốc. Thấp thoáng bóng đêm và trong gió lạnh những ngày cuối năm 45 chiếc áo màu cam đỏ của đoàn MXBG lặng lẽ di chuyển qua những chiếc cầu treo chông chênh để lên hai chiếc tàu của Hải đội 2 ra đảo. Sau gần 3 giờ vượt sóng, hai chiếc tuần duyên của Hải đội 2 cập ghềnh Đông của đảo Hòn Chuối, mảnh đất giữa biển Đông được Trung ương Đoàn chọn là 1 trong 2 đảo Thanh Niên của vùng biển cực Nam Tổ quốc.

Mùa xuân biên giới 8: Hạnh phúc màu vàng ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thăm tết các hộ nghèo ở Phú Tân

Ông Sáu Thiện, Tổ trưởng An ninh nhân dân của đảo, một trong những cư dân đầu tiên của đảo này đã đón chúng tôi bằng những cái nắm tay rất chặt với những ly nước lạnh, thứ hàng hóa quý hiếm trên đảo toàn những đá và đá này. Năm trước, khi đoàn chia tay với cư dân Hòn Chuối, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh đã hứa với cư dân và các đơn vị trên Hòn Chuối sẽ thực hiện 3 việc: có nước ngọt, có trường học và có trạm xá.

Năm nay, cùng với đoàn MXBG, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau trở lại đảo đã đến thăm và tặng quà cho trường học bé nhất tỉnh trên Hòn Chuối. Trường gồm… 1 phòng học bằng tôn, vách gỗ do chuẩn úy biên phòng Nguyễn Quốc Tự làm hiệu trưởng kiêm giáo viên đứng lớp, dạy 14 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Ngọc Thảo, cô bé có cặp mắt nâu rất đẹp, đã tâm sự với chúng tôi trong lần trước ra đảo: “Cháu rất thích đi học, hồi trước phải lên trạm radar ở đỉnh núi cao để học với chú hải quân, mệt thấy mồ mà nhiều lúc mấy chú mắc báo cáo lâu lắm nên phải về dưới ghềnh”.

Từ mép nước lên trạm radar cao hơn 500m mà cô bé Thảo vẫn cố đi tìm cái chữ cho mình để “mai mốt được vô bờ có trình độ đi học với người ta”. Lần này gặp lại, Thảo đã đọc vanh vách bài tập đọc “Cái trống trường tôi” trong sách tập đọc lớp 1. Về yêu cầu thứ hai (có nước ngọt), các đơn vị chức năng tỉnh Cà Mau đã chuyển ra đảo nhiều thùng phuy bằng composite loại 1.000 lít để trữ nước mưa cho bà con và lực lượng vũ trang trên đảo đủ dùng ít nhất là 1 tháng khi nắng hạn, trong khi chờ phương án phá núi lập hồ treo trữ nước.

Theo gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Viện Tim đã gửi tặng bà Tư Hà, một trong cư dân đầu tiên của đảo đã trở thành “bà mụ” bất đắc dĩ, 5 thùng thuốc và 1 thùng dụng cụ để bà Tư đỡ nhiều ca sanh gấp trên đảo. Nhiều năm qua, có những phụ nữ trở dạ không thể vượt gấp 20 hải lý với những con sóng to chụp đầu để vào đất liền sanh con đã được bà Tư Hà vận dụng kiến thức riêng của người phụ nữ đã qua 6 lần sanh nở để cứu sinh mạng nhiều người phụ nữ trên đảo.

Dụng cụ đỡ sinh của “bà mụ Hà” khi ấy chỉ là những chiếc lưỡi lam xin được của các chú hải quân và chiếc kéo cắt vải của bà được vệ sinh bằng cách hơ lửa trước khi cắt rốn trẻ. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng đã có 8 đứa trẻ được bà Tư đỡ sanh bằng những dụng cụ đơn sơ ấy đang sống khỏe mạnh trên đảo. Bà Tư Hà đã thay mặt những đứa trẻ sắp được sanh ra trên đảo cảm ơn Đoàn MXBG đã quan tâm và cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã gợi ý tinh tế để Viện Tim tặng những vật dụng thiết thân quý giá cho cư dân đảo.

Nắng đã đổ sang phía ghềnh Nam ở bên kia đảo và gió ngoài biển ngày càng mạnh. Đại tá Giang, Tham mưu trưởng BCH Biên phòng tỉnh Cà Mau, người chỉ huy chuyến đi đề nghị mọi người xuống bãi đá ngay để rời đảo, tránh gió đang tăng cấp và chuyển hướng vào đảo.

Tấm lòng để lại

“Chị ơi, 40 thùng thuốc của Viện Tim đến xã Tân Hải chuyển bằng cách nào?”, “Chị, tụi em còn máy điện tâm đồ và một số dụng cụ khác chuyển bằng gì vào Tân Hải”, các bác sĩ Viện Tim trẻ măng với gương mặt đỏ au vì nắng, gió rối rít hỏi tôi vì sợ “mình đến trễ bà con chờ, nắng lắm”.

Xã Tân Hải huyện Phú Tân là vùng chết trong những năm mà “Luật 10/59” của chính quyền Diệm đặt máy chém thường trực ở đây. Xã này ngày xưa có khu địch để giam giữ bí mật cán bộ ta tên Bình Hưng với những ngôi biệt thự bí mật có tên rất đẹp: “Khu biệt thự Hải Yến”, với những chủ nhân luôn mang kính đen, đội mũ sụp kín mặt. Xã Tân Hải có một khu giam cầm chiến sĩ cách mạng mà chặng cuối của những cuộc tra tấn dã man là chiếc cầu Vĩnh Biệt.

Những người tổ chức chương trình “Mùa xuân biên giới” đã nhận được 1,35 tỷ đồng của nhiều đơn vị, cá nhân đóng góp.

Chúng tôi xin được nói lời cám ơn đến hai đơn vị đối ứng cho chương trình tại Cà Mau (Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau), tại Kiên Giang (Tỉnh đoàn Kiên Giang). Các đơn vị  tham gia và đóng góp tài chánh cho chương trình: Ban Giám đốc Viện Tim TPHCM, Ban Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, Ban Biên tập Báo Công an TP, Ban Biên tập Báo Mực Tím, Ban Giám hiệu ĐH Luật TPHCM.

Các đơn vị, cá nhân tài trợ: Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Công ty Thiên Tân (Cà Mau); ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý (Cà Mau); Hãng dược phẩm Novartis Pharma Services AG; Công ty TNHH Ngọc Anh (Trung tâm SYM TP. Cà Mau); ông Từ Đông Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Úc Việt; bà Chung Hương Giang, Công ty Pepsico Việt Nam,…

Chúc các đơn vị và các nhà hảo tâm một năm mới An khang-Thịnh vượng và mọi điều như ý.

Nhiều năm qua, do khó khăn về đường đi, không điện, trường học thiếu thốn, không trạm xá, không nơi họp chợ nên cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn trăm bề. Đa phần bà con sống bằng nghề nông, làm mướn và đặt lú trên sông. Một xã có diện tích rộng mênh mông mà chiều dài đường bộ chỉ được tính bằng đơn vị mét, rất ít đoạn đường có chiều dài được tính bằng kilômét.

Bởi thế, Tân Hải có biệt danh Xã 5 không. Và bởi thế nên lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã “nhờ” đoàn MXBG mang tết đến cho 510 hộ nghèo của xã. Đoàn MXBG không chỉ tặng 510 phần quà tết cho các hộ nghèo người Kinh và Khmer mà còn tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 500 dân ở đây. Nhìn những người dân Tân Hải quyết đeo theo túi quà tết trên vai khi vào khám bệnh bởi họ lần đầu được tặng “gói quà tết to và nặng vậy nè”. Chúng tôi thấy lòng mình ấm áp hơn dù rất mệt vì đi đò xa.

Bà Nguyễn Thị Gành, ở ấp Thanh Đạm vừa đưa gói mía bán cho tôi vừa nói vui khi tôi hỏi chuyện ngày xưa: “Bây giờ cây mía sau vườn cũng bán ra tiền, hồi xưa muốn bán rổ cá, bó rau, cây mía phải chèo xuồng đi rã tay hàng giờ sang xã khác mới bán được. Bây giờ, chợ xây chưa có nhưng có khu chợ nhỏ ở cuối đường lộ kia nên mọi người buôn bán cũng dễ”.

Ông Lộc Giới - người Khmer - ôm trong tay gói quà tết chúng tôi vừa tặng nói giọng rất vui: “Nhà nước giúp tiền cho tui dựng nhà rồi giúp có điện cho xấp nhỏ học bài nữa, năm nay lại được nhà báo Sài Gòn và bác sĩ tặng quà tết, bà con Khmer vui lắm, biết ơn Đảng và nhà báo Sài Gòn nhiều lắm”. 6 năm qua (từ 2003 - 2009), chính quyền Cà Mau đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng 400 căn nhà tình thương, 33 nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách và 32 nhà cho bà con dân tộc Khmer theo chương trình 134.

Bà con đi nhận quà tết của đoàn MXBG tặng về nói cười rôm rả cả một đoạn đường đê chạy quanh co giữa những con kênh loang loáng nước, trên hiên những ngôi nhà mới xây, những cây mai tứ quý đã trổ bông vàng xen khiến chúng tôi có cảm giác - chính chúng tôi là những người được nhận hạnh phúc từ những người dân nghèo chân đất đang cười nói rôm rả khi mang trên vai lễ mễ những gói quà tết, những bịch thuốc tây và những mòn đồ chơi xanh đỏ mà các nhà hảo tâm nhờ chúng tôi chuyển đến.

Những con đường đê nhỏ xíu, quanh co, gập ghềnh, nhìn xa như những cái gạch nối từ ấp này đến ấp kia. Những con đường đê quanh co uốn lượn băng qua những kênh nước rộng mênh mông đầy ắp tiếng cười. “Đó không chỉ là công sức mà chính là tâm sức của Đảng bộ và chính quyền Cà Mau trong nỗ lực đổi đời cho bà con của xã này”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Khanh đã nói giọng rất vui khi ông cùng với đoàn chúng tôi đi trên con đê nhỏ còn ướt đất. Bây giờ, Tân Hải không còn là xã 5 không mà trở thành xã 6 có; cái có hơn 1 ấy đó chính là lòng dân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Bùi Công Bửu: “Nếu dân đồng tình, xã hội đồng thuận thì việc gì khó mấy cũng làm được”.

Chương trình MXBG 8 đã khép lại nhưng niềm vui trong lòng chúng tôi, những người đang gặt hái về những niềm vui mới nơi vùng đất cuối trời, hạnh phúc của những nhành mai mà người dân nơi vùng đất cực Nam tặng cho chúng tôi lúc chia tay...

PHẠM THỤC

Dân TPHCM từ lâu đã có thói quen chọn tết là dịp để mọi người “cầu  thiện, cầu phước” bằng cách trải lòng, chia sẻ niềm vui với những người chưa may mắn, những bà con đang cần sự giúp đỡ. Và họ cảm thấy hạnh phúc, thanh thản vì đã góp nhặt được nhiều niềm vui, hạnh phúc từ nụ cười của bà con nghèo làm quà tết cho mình.

Còn những người nhận? Cách nhận cũng là điều khiến người cho ngẫm suy. Bí thư tỉnh ủy của một tỉnh nghèo ở cực Nam tổ quốc này đã nói rất thật lòng: “Để hàng chục ngàn hộ nghèo của tỉnh có Tết, lãnh đạo tỉnh đã hớt vạt áo trước ngắn hơn vạt sau”. Một câu nói rất hình tượng, thể hiện rõ lòng “cầu yên, cầu lạc” cho nhân dân của vùng mình đảm đương công việc của những cán bộ nhà nước.

Một cựu tù Phú Quốc đang sống ở tỉnh cực Nam của Tổ quốc đã nói với cậu bác sĩ trẻ người TPHCM đã cùng đoàn công tác xã hội đến hòn đảo xa xôi này để thăm, khám bệnh và tặng thuốc đặc trị bệnh tim cho các cụ – Nơi nào có nhiều đoàn khách đến làm từ thiện thì có thể đánh giá được cái tâm của lãnh đạo nơi ấy và nơi nào có nhiều đoàn đi làm từ thiện, cứu giúp kịp thời những cơn ngặt của dân các địa phương khác thì nơi đó, lãnh đạo không chỉ có tâm lành mà ở đó còn có nền giáo dục từ gia đình rất tốt. Và, theo cụ, đó là một ví dụ để minh chứng cho nhận định trên và cũng theo cụ, đó là cách ứng dụng nhuần nhuyễn những bài học lo cho dân từ Bác Hồ kính yêu.

Tin cùng chuyên mục