Mức thu cao nhưng thời gian thu phí ngắn

Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

(SGGP).- Nhiều câu hỏi nóng xoay quanh vấn đề thu phí đường bộ, an toàn giao thông đã được giải đáp tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ GTVT tổ chức chiều 13-10.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây là dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đây là dự án nâng cấp, cải tạo mặt đường nhưng lại có mức thu phí cao, tương đương với những dự án cao tốc được xây dựng mới. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ trước đây là đường bình thường, tốc độ 60 - 80km/giờ, thường xuyên ùn tắc vào dịp lễ tết, nay được nâng cấp về mặt đường tương đương cao tốc, hệ thống an toàn đáp ứng tốc độ 100 - 120km/giờ. Tại thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính phê duyệt mức phí trên các tuyến BOT như nhau, với xe tiêu chuẩn mức thu là khoảng 25.000 - 35.000 đồng/lượt/xe. Trạm nào quá thấp sẽ điều chỉnh để có mặt bằng chung tránh tình trạng dồn vào 1 tuyến. Mặt khác, cùng mức phí nhưng thời gian thu phí của dự án cải tạo nâng cấp sẽ ngắn hơn các dự án làm mới, tùy thuộc vào số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra. Với tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhà đầu tư đã đưa ra phương án 6.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 nâng cấp 4 làn xe với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, cải tạo trong vòng 14 tháng, đạt tốc độ 120km/giờ, đảm bảo chất lượng tốt không ùn tắc giao thông. Từ tháng 10-2015 sẽ thi công mở thêm 2 làn và dự kiến hoàn thiện vào năm 2018, thời gian thu phí dự kiến là 17 năm 1 tháng, trong khi nếu làm mới, tổng số tiền bỏ ra sẽ rất lớn, thời gian thu phí có thể kéo dài 20 - 30 năm. 

Về lo ngại các trạm thu phí BOT sẽ bủa vây Hà Nội trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, hiện khu vực Hà Nội và vùng thủ đô có số trạm BOT chỉ bằng 1/4 so với TPHCM. Sắp tới sẽ có thêm các trạm BOT nằm ở các đường vành đai như Vành đai 4, đại lộ Thăng Long và đường 32 phục vụ cho Khu công nghiệp Láng - Hòa Lạc. Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang trong thời gian xác định nguồn vốn, chưa thực hiện được ngay. Nếu được thực hiện, các trạm này đều phải tuân thủ các quy định, vị trí đặt trạm cũng như mức thu đều được tính toán kỹ và được sự chấp thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính.

Về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội do ảnh hưởng của việc thi công các dự án trên tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, đây là bài toán hết sức nan giải do mâu thuẫn giữa việc triển khai dự án và đảm bảo giao thông mà bất cứ đô thị nào cũng gặp phải. Đến cuối năm nay, tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông sẽ hết tắc vì thông hầm chui Thanh Xuân và phần trụ Cát Linh thi công xong.

Về TNGT liên quan trên các tuyến đường cao tốc tăng, Bộ GTVT cho biết, sắp tới sẽ triển khai lắp camera phạt nguội trên cao tốc, trước mắt thực hiện trên tuyến Pháp Vân - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai, thử nghiệm 6 tháng và sau đó làm toàn bộ tuyến cao tốc và quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để xử phạt nguội.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục