Mũi nhọn kinh tế của Ấn Độ

Trong 9 tháng tới, hãng Uber sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Ấn Độ, một động thái được xem là đón đầu sự bùng nổ du lịch ở quốc gia Nam Á này.

Theo thống kê của trang web du lịch Skyscanner có trụ sở tại London, Anh, số khách du lịch đến Ấn Độ sẽ tăng 9,2% trong năm nay. Trong khi đó, số liệu do Cơ quan thống kê Ấn Độ công bố còn kinh ngạc hơn khi lượng khách đăng ký visa du lịch điện tử (e-Tourist Visa) đến Ấn Độ trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5-2015 tăng 1.024,4%.

Ngày 30-7 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu cấp visa điện tử (e-visa) cho công dân Trung Quốc và dự kiến đến tháng 3-2016, sẽ cấp e-visa cho công dân của 150 quốc gia trên thế giới. Theo Kavitha Gnanamurthy, nhà quản lý marketing của Skyscanner tại Ấn Độ, điều này đã cho thấy quyết tâm đưa ngành công nghiệp không khói trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của New Delhi trong thời gian tới. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Canada Macquarie, du lịch sẽ đóng góp 100 tỷ USD cho nền kinh tế Ấn Độ nếu như chính phủ nước này tiếp tục duy trì các chính sách giúp ngành du lịch Ấn Độ thay đổi tích cực như hiện nay. Trong khi đó, Hội đồng du lịch và lữ hành quốc tế (WTTC) ước tính, đến năm 2024, con số này sẽ là 230 tỷ USD.

Điều gì lôi kéo du khách đến với Ấn Độ? Ngoài những trải nghiệm thú vị về văn hóa đa sắc màu, du lịch, còn là để định nghĩa về quan niệm sống là những điều khiến du khách bị cuốn hút. Trong cuốn tiểu thuyết du ký mang tên “A Tramp Abroad”, xuất bản năm 1877 của đại văn hào người Mỹ Mark Twain, ông đã phải thốt lên rằng: “Ấn Độ là đây, vùng đất của những giấc mơ và lãng mạn, sự đối lập giữa giàu có và nghèo đói; sự lộng lẫy của những đền đài, nơi tồn tại của hàng ngàn tôn giáo và hai triệu vị thần, cái nôi của loài người…”. Tất cả những điều đó đã nói lên sự đa dạng trong văn hóa và xã hội Ấn Độ, hứa hẹn du khách có thể thỏa sức khám phá những điều mới lạ.

Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống đó, Chính phủ Ấn Độ đang đưa thêm các loại hình du lịch mới nhằm thu hút du khách. Du lịch sinh thái là một ví dụ. Du khách sẽ cảm thấy thích thú khi họ được ở cùng nhà người dân bản địa để tìm hiểu về tập quán, lối sống cũng như khám phá những vùng đất còn hoang sơ như dãy Himalaya…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về du lịch và lữ hành cho rằng bên cạnh những lợi thế sẵn có, du lịch Ấn Độ còn nhiều điểm phải cải thiện. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao ý thức người dân để họ cùng chung tay với chính quyền thu hút khách du lịch. Giữ gìn môi trường là một yếu tố góp phần thu hút du khách nhưng người dân ở Ấn Độ chưa thực sự quan tâm đến điều này. Vừa qua, chính phủ nước này đã phải phát động chiến dịch Clean campaign với kỳ vọng nhắc nhở người dân hãy làm những việc nhỏ như không xả rác ra đường để cảnh quan, môi trường xanh, sạch hơn.

Ngoài ra, việc đối xử ân cần, nồng hậu với du khách cũng là điều mà nhà chức trách Ấn Độ cũng cần phải lưu tâm. Khẩu hiệu Atithidevo Bhava (khách hàng là thượng đế) mà ngành du lịch Ấn Độ đề ra phải được thể hiện qua việc làm cụ thể như đảm bảo các tài xế taxi tại sân bay, nhà ga không “chặt chém” du khách… Những việc làm dù rất nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn cho ngành du lịch Ấn Độ trên con đường trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế nước này.


ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục