Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến điều chỉnh đồ án quy hoạch này
Phát huy sở trường của vùng
Trong cuộc họp tại TPHCM vừa được Bộ Xây dựng tổ chức tuần qua, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đề xuất 5 nội dung, mà theo ông, là cơ sở quan trọng để vùng phát triển. Trước hết, đó là hoàn thiện hệ thống cảng biển cả về cơ sở hạ tầng lẫn cơ chế hoạt động. “Hiếm vùng nào có được điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để xây dựng cảng biển như vùng TPHCM. Toàn bộ hệ thống cảng biển TPHCM nằm gọn trong vịnh Gành Rái nên được che chắn khá tốt trước những cơn thịnh nộ (nếu có) của biển khơi. Chưa hết, hệ thống sông Cái Mép - Thị Vải dẫn vào cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải không những có độ sâu, luồng lạch tốt mà còn ít bị sa bồi. Khu vực này lại nằm trên nhiều tuyến hàng hải quốc tế. Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng cảng ở khu vực này. Đây chính là điều kiện vô cùng tốt để vùng TPHCM khai thác tốt hệ thống cảng biển”, ông Trần Ngọc Chính nói.
Tàu du lịch nước ngoài cập cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Nội dung thứ hai, đó là sân bay, cụ thể là sân bay Long Thành. Theo ông Trần Ngọc Chính, khi còn làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông đã bỏ ra gần 4 năm để nghiên cứu tìm vị trí xây dựng sân bay mới. Một sân bay có thể trở thành hạt nhân của hoạt động hàng không, không những của vùng TPHCM, của Việt Nam mà còn cả khu vực ASEAN. Sân bay Long Thành chính là đáp án vì từ sân bay này đi thủ đô nhiều nước ASEAN chỉ khoảng 1.500km. Ở trong nước, hệ thống giao thông kết nối đến sân bay Long Thành đã và đang được hoàn thiện. Nằm gần như giữa các tỉnh thuộc vùng TPHCM lại ngay sát cạnh các trung tâm kinh tế lớn của cả vùng như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… nên cùng với hệ thống cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành sẽ là một trong những cửa ngõ vận tải lớn đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng về vận tải, kinh tế với thế giới.
Vấn đề thứ ba là hoàn thiện hệ thống giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy… kết nối hệ thống cảng biển, sân bay Long Thành đến các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất… trong vùng và các địa phương lân cận. Hiện nay, một trong những bất cập khiến hệ thống cảng biển TPHCM gặp khó khăn là đường giao thông kết nối chưa hoàn thiện.
Vấn đề thứ tư là hình thành trung tâm tài chính thương mại tầm cỡ khu vực và thế giới ở trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM bao gồm đô thị mới Thủ Thiêm, một phần quận 1, quận 3, quận 4 và quận Bình Thạnh. TPHCM đã thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công tác giải phóng mặt bằng ở đây cơ bản xong. TPHCM đã xây hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm kết nối quận 1, quận Bình Thạnh với đô thị mới Thủ Thiêm. Ngay trong đô thị mới Thủ Thiêm, 4 tuyến đường chính đang được xây dựng. Trung tâm thương mại tài chính được hình thành và phát triển như kỳ vọng ở trung tâm TPHCM sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của hệ thống cảng biển, sân bay và các loại hình nghiên cứu, sản xuất khác trong toàn vùng. Cuối cùng, đó là bảo vệ hệ thống sông, kênh rạch tự nhiên của vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cũng trong cuộc họp này, một giáo sư đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM nhất trí với 5 đề xuất của ông Trần Ngọc Chính nhưng cho rằng cùng với hệ thống cảng biển và sân bay, việc hoàn thiện hệ thống logistics đi kèm là cực kỳ quan trọng. Hoạt động logistics phát triển không những giúp hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh với nhiều loại hàng hóa khác trên thế giới mà còn giúp hệ thống cảng biển và sân bay trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực ASEAN và thế giới.
Đổi mới cơ chế
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải đổi mới cơ chế hợp tác của vùng TPHCM trong thực hiện quy hoạch: “Nếu không có sự thay đổi thì vài năm nữa chúng ta sẽ lại ngồi với nhau để nói về những bất cập đang nói hôm nay”. Nỗi bức xúc của ông Nguyễn Trọng Hòa có lý do, đó là sự thiếu cơ chế liên kết trong vùng. Trong “cái túi” chung là vùng TPHCM, mỗi địa phương vẫn hành động theo mục tiêu của riêng mình. Ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng: “Tám đôi đũa đã không gắn kết mạnh mẽ để có được sức mạnh của cả bó đũa”.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, khái quát vấn đề nêu trên bằng câu chuyện cụ thể: Long An đầu tư xây dựng đường để kết nối với TPHCM (theo quy hoạch vùng - PV). Tuy nhiên, khi Long An đề nghị TPHCM làm đường để nối vào, TPHCM cho biết việc đầu tư xây dựng tuyến đường này không được ưu tiên. UBND TPHCM phải tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc khác của thành phố như Nghị quyết của HĐND TPHCM đã đề ra. UBND TPHCM không sai khi quyết định như vậy và bất cập ở đây chính là vùng TPHCM thiếu cơ chế hợp tác. Bất cập này Trung ương đã biết và cũng đã gợi ý thành lập một ban chỉ đạo với lãnh đạo từng địa phương thay phiên làm trưởng ban. Thế nhưng, mô hình này không hiệu quả và thực tế đã chứng minh điều đó.
Vậy làm gì để hình thành được cơ chế liên kết vùng? Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fullbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM, đề nghị cần có sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch. Thông qua việc cùng xây dựng đồ án quy hoạch, khả năng tạo được sự đồng thuận của các địa phương sẽ tăng lên. Để phá vỡ rào cản địa giới hành chính, việc tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Do thị trường không bị giới hạn bởi những địa giới hành chính nên các doanh nghiệp sẽ đầu tư để thị trường của mình được mở rộng. Vai trò và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào việc lập và thực thi quy hoạch cũng rất quan trọng. Và cuối cùng, theo ông Huỳnh Thế Du, đó là lợi ích của các địa phương. Một trong những nguyên nhân làm các địa phương trong vùng chưa thật sự liên kết với nhau trong phát triển đô thị và kinh tế là sự khác nhau về lợi ích. Để tránh tình trạng cạnh tranh giành dự án, công trình nên xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn thu theo nguyên tắc, những gì hiện có ở bên nào thì để lại bên đó. Những nguồn thu mới phát sinh từ sự hợp tác giữa các địa phương sẽ được phân chia theo thỏa thuận cụ thể.
Với tư cách là người của cơ quan được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM, ông Ngô Quang Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam nhận định, tình trạng cục bộ địa phương là một trong những cản ngại chính trong thực hiện quy hoạch vùng. Chính vì vậy, khi tiến hành nghiên cứu điều chỉnh đồ án quy hoạch này, tồn tại trên sẽ được đặc biệt quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ.
|
NGUYỄN KHOA