Mừng một nửa

Thanh Thu

Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp cùng Quỹ Unicef tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh một số ý kiến bày tỏ khó khăn trong quá trình thực hiện như yêu cầu lựa chọn các chỉ số theo dõi sự phát triển của trẻ đòi hỏi giáo viên phải có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh trong quá trình giảng dạy mới triển khai được, một số quy định của bộ chuẩn chưa phù hợp với nội dung chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành, sĩ số trẻ/lớp quá đông khiến việc đo các chỉ số mất nhiều thời gian của giáo viên… Tuy nhiên, tất cả đại biểu đều thừa nhận đây là những khó khăn có thể khắc phục được, áp dụng lâu dài sẽ góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc mầm non.

Cô Hồ Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 (quận 1), cho biết, theo quy định của bộ chuẩn phát triển, giáo viên được linh hoạt lựa chọn một trong các bài tập gợi ý để áp dụng lên trẻ là một cách làm hay. Theo đó, giáo viên có thể dựa vào khả năng tiếp thu của từng trẻ lựa chọn nhiều bài tập khác nhau. Chính điều này giúp giáo viên đỡ nhàm chán trong việc kiểm tra, đánh giá, có cơ sở nắm rõ ưu khuyết điểm của từng em để động viên hoặc phát huy thế mạnh của trẻ. Do tính mở của các hướng dẫn dạy học, bộ công cụ đã góp phần giúp giáo viên nảy sinh thêm nhiều ý tưởng hay, sáng tạo trong quá trình dạy học, giúp sinh hoạt của cô và trò trở nên sinh động, phát huy tính hiệu quả. Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Thu Dung, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1), cho biết quá trình thực hiện bộ chuẩn với yêu cầu chuẩn bị các phương tiện, nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động đánh giá đã giúp tăng cường sự gắn kết giữa phụ huynh và giáo viên, giúp bản thân giáo viên cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong công việc, bồi dưỡng lòng yêu nghề, yêu trẻ. Một số chỉ số đánh giá của bộ chuẩn như cởi - cài cúc áo, biết kể chuyện theo tranh, trèo lên, xuống thang ở độ cao 1,5m so với mặt đất, đi thăng bằng trên ghế thể dục, cắt theo đường thẳng và viền cong của các hình đơn giản, chạy liên tục 150m không hạn chế thời gian… đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao sức khỏe và trí lực cho học sinh. 

Qua đó cho thấy mặc dù nội dung còn nhiều bất cập, cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhưng sự ra đời của bộ chuẩn đã góp phần đáng kể trong việc cải tiến chương trình dạy học ở bậc mầm non. Tuy nhiên cũng giống như các bậc học khác, chúng ta đang loay hoay với bài toán chương trình có trước hay bộ công cụ có trước. Bởi thực tế đã chứng minh khi nội dung chương trình khung chưa có, việc hối hả chạy theo các bộ sách giáo khoa (đối với các bậc học cao hơn) hay bộ công cụ đánh giá sự phát triển của trẻ (đối với bậc mầm non) sẽ khiến giáo viên càng thực hiện càng lúng túng bởi những khoản chênh trong các chuẩn yêu cầu thực hiện. Do đó, dù đã được triển khai rộng rãi hơn 3 năm qua, nhận được nhiều đánh giá khả quan, tích cực của các nhà quản lý, nhưng sự ra đời của bộ chuẩn cũng như quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục chưa thể khiến những người trong cuộc an lòng.


Thanh Thu

Tin cùng chuyên mục