Mặc dù hợp đồng xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc năm nay bị hủy khá nhiều, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam từ năm 2012 đến nay và dự báo cả sang năm 2014. Năm nay thị trường gạo thế giới vẫn cung vượt cầu. 4 tháng liên tiếp vừa qua, lượng gạo xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến kế hoạch cả năm 2013, từ 7,5 triệu tấn giảm xuống còn 6,6 - 6,7 triệu tấn.
Những người trong ngành lo lắng, diễn biến này tác động xấu đến giá cả và việc tiêu thụ lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng khá bất ngờ, khi lượng gạo chính ngạch bị chậm lại cũng là thời điểm gạo xuất khẩu tiểu ngạch vùng biên với Trung Quốc lại diễn ra sôi động.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), con số xuất khẩu theo dạng này đã là 1,4 triệu tấn gạo và có thể lên đến 1,5 triệu tấn so với 400.000 tấn năm 2012. Việc tăng đột biến này, theo thông tin chưa chính thức, do một số diện tích lúa vùng biên Trung Quốc đã chuyển qua trồng thảo dược, nâng cao giá trị đất nên phải nhập dạng này để cân đối lương thực. Mặc dù xuất khẩu dạng này dễ gặp rủi ro, nhưng trong bối cảnh gạo xuất chính ngạch gặp khó và việc buôn bán gạo qua biên giới không cần hóa đơn, thậm chí không kiểm tra chất lượng gạo, nên không ít doanh nghiệp vẫn chấp nhận.
Theo VFA, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là chuyện giao thương tự nhiên giữa 2 nước, góp phần giải quyết đầu ra lúa gạo, nhưng về lâu dài không phải là cách làm hay nếu không kiểm soát chất lượng gạo. Sự dễ dãi này dẫn đến tình trạng người trồng lúa không quan tâm đến việc nâng cao chất lượng.
Gạo thơm Việt Nam đang chiếm dần thị phần gạo Thái Lan, tiêu biểu như ở Hongkong, năm nay gạo thơm Việt Nam chiến đến 42% nhu cầu nhập khẩu. Nhờ đó, lượng gạo thơm Việt Nam đã chiếm 14% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gấp đôi so với năm 2012. Đó là nhờ lợi thế về sự tươi, mới của hạt gạo, cũng có phần do chớp lấy thời cơ Thái Lan giảm diện tích gạo thơm Jasmine, trong khi giống này lại phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ĐBSCL.
Thế nhưng bên cạnh sự mừng lại là nỗi lo về chất lượng. Bắt đầu xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp trộn gạo thơm giống khác như OM 6976 và OM 4218 vào để lợi nhuận nhiều hơn. Những giống gạo phối trộn này làm cho hạt cơm bị cứng. Thực trạng này đã bị một số khách hàng phát hiện và phản ứng. Đây là điều nguy hại lớn ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới.
CÔNG PHIÊN