Muốn huy động vốn BOT, nhà nước phải tính toán, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 10-3, Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 2 dự án trên đường Hồ Chí Minh. Cơ bản đồng tình, song các ý kiến trong UBTVQH yêu cầu rà soát các đoạn tuyến còn lại, tránh trùng lắp, có giải pháp hợp lý huy động nguồn vốn ngoài ngân sách...  
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Về nguồn vốn thực hiện dự án, theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến (giai đoạn quy mô 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Đến năm 2020, nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến là 88.400 tỷ đồng, đã huy động được 62.316 tỷ đồng.

Đối với giai đoạn 2021-2025, đã bố trí 11.791 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, trái phiếu Chính phủ, ODA). Còn lại 3 đoạn với tổng chiều dài 171km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn.

Để đến năm 2025 hoàn thành đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 2 dự án này (83,5km/tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến sang hình thức đầu tư công.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này là rất lớn trong khi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn này chưa được xác định rõ ràng cụ thể, cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét. Hơn nữa, kiến nghị này chưa phù hợp với khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đều tán thành sự cần thiết phải sớm hoàn thành dự án có nhiều ý nghĩa, nhưng lại đã kéo dài quá lâu (hơn 18 năm) này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới phát biểu: “Dự án có nhiều ý nghĩa, nhưng đã quá chậm. Từ khi bắt đầu làm đến nay đã 18 năm, nhiều đoạn đã xuống cấp rất trầm trọng như đoạn từ Cà Mau xuống Đất Mũi xuống cấp ghê gớm, cần phải có nguồn vốn trùng tu”.

Ông Lê Tấn Tới đề nghị tiến hành khảo sát thực tế để tính toán định mức đầu tư sát hợp (chẳng hạn làm đường ở ĐBSCL có chi phí cao hơn nhiều).

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới và Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường có chung đề nghị rà soát lại dự án, đối chiếu với các dự án khác đã và đang tiến hành để có phương án kết nối hợp lý, tránh trùng lắp.

Bên cạnh đó, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, nếu làm đúng cách, nguồn vốn xã hội hóa có thể phát huy hiệu quả rất tốt. Từng có thời kỳ làm Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk, ông Cường cho biết: “Đoạn tuyến khu vực Tây Nguyên của đường Hồ Chí Minh làm xong trong 1,5 năm, vượt tiến độ 1,5 năm, chủ yếu nhờ huy động được vốn BOT, đỡ đi rất nhiều gánh nặng cho đầu tư công”.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là Nhà nước phải tính toán, giữ đúng cam kết đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, không để xảy ra trường hợp công trình BOT thất thu chỉ vì có tuyến đường khác. Tương tự như khi “đóng mạch điện khác rồi thì mạch kia bỏ đi không dùng nữa”, ông Bùi Văn Cường ví von.

Muốn huy động vốn BOT, nhà nước phải tính toán, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư ảnh 1 Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nếu làm đúng cách, nguồn vốn xã hội hóa có thể phát huy hiệu quả rất tốt

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ quan điểm này và đề nghị trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về dự án với những nội dung cụ thể, bao gồm cả thời hạn kết thúc dự án.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Chính phủ xem xét tổng thể các nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm Trung ương - địa phương, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022) để Quốc hội ban hành nghị quyết về dự án.

“Định hướng là chỉ hoàn thành những đoạn đang làm dở; phải rà soát đối chiếu với các dự án hiện có, căn cứ khả năng ngân sách để bố trí phù hợp… Chính phủ phải chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp một số đoạn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.  

Tin cùng chuyên mục