Đã qua lâu rồi cái thời người ta phải hàn vá lại những vật dụng quanh mình. Ngày trước Hà Nội có nhiều ông thợ hàn nồi niêu xoong chảo gánh gồng long tong khắp phố xá. Họ hàn tất cả những vật dụng kim loại từ mâm thau, chậu đồng, chắn bùn xe đạp cho đến nồi niêu, thùng, xô, siêu đun nước.
Gọi là hàn nhưng kỹ thuật hoàn toàn nguội. Cắt lỗ thủng chiếc xoong nhôm cho tròn và bấm tỉa hình răng cưa. Dùng một miếng nhôm nồi cũ cắt ướm vào cho vừa và cũng bấm tỉa răng cưa. Khớp mảnh vá vào lỗ thủng bẻ răng so le ngậm vào nhau và đập phẳng. Cuối cùng là đất sét và lá khoai lang vò nhàu xoa thật kỹ bịt kín các kẽ hở không cho nước rò rỉ ra ngoài. Nhiều chiếc xoong vá đi vá lại mấy lần. Có lúc phải vá cả miếng vá.
Thời bao cấp khi mới phát minh ra đôi dép nhựa cũng vậy. Người ta đi những đôi dép nhiều khi vá chi chít hai bên quai. Dép nhựa vá nóng. Theo kỹ thuật vá áo mưa ni lông lúc ấy đã trở nên thuần thục. Nung những chiếc dùi sắt đập bẹt trên bếp dầu. Cắt miếng nhựa dép cũ ướm lên vết đứt cho vừa. Kẹp vào dùi nóng bốc khói mù mịt. Công đoạn cuối cùng là dùng chính những chiếc dùi nóng ấy miết bên ngoài miếng vá cho mất cạnh sắc. Khéo tay thì miếng vá chìm vào quai dép khó phát hiện. Cẩu thả thì không ngần ngại cắt miếng nhựa khác màu đắp vào trông gồ ghề cóc cáy.
Có hẳn những trung tâm hàn vá dép nhựa vỉa hè ở góc đường Ngô Thì Nhậm - Nguyễn Công Trứ hoặc các bến tàu nhà ga. Sinh viên đi tán gái luôn phải mượn những đôi dép nhựa chưa vá miếng nào của bạn. Đến chơi nhà bạn gái chỉ mình cô ấy biết bạn trai đi mượn dép mà thôi. Nhưng cô ấy chẳng dại gì nói ra. Kỹ thuật này còn tồn tại cho đến bây giờ ở những cửa hàng hàn vá xe máy bị vỡ phần vỏ nhựa. Tuy nhiên tay nghề phải tuyệt cao. Hàn xong phun sơn cùng màu. Bố vợ tương lai rất khó phát hiện.
Thời này chiếc bát ăn cơm cũng thiếu. Người ta nghĩ ra một loại keo gắn bát vỡ. Họ làm thành từng thỏi nhỏ như bút chì kẻ mắt màu cứt gà sáp rao bán trên tàu điện cùng với lơ tẩy hồng. Người bán quảng cáo thị phạm hơ lửa cho thỏi keo chảy ra bôi vào vết vỡ nhanh tay khớp lại thành bát lành. Chờ năm phút cho vết hàn nguội rồi thả chiếc bát rơi xuống đất. Bát sẽ vỡ ở phần lành lặn mà vết hàn còn nguyên. Khách vui sướng mua mang về đem bát vỡ ra gắn thử. Cũng chỉ cầm cự thêm được vài hôm là vết hàn bở ra. Nước rau muống luộc nóng chan vào bát rỉ xuống bò theo cổ tay nhỏ giọt tong teo dưới cùi chỏ. Bài học rút ra là tay bán keo có trình độ đánh rơi bát thật tuyệt vời.
Giờ thì không ai còn luyến tiếc những vật dụng rẻ tiền như thế đến mức phải đem hàn vá lại. Tục ngữ “Lành làm gáo vỡ làm muôi”, trẻ con thành phố bây giờ hoàn toàn không hiểu nghĩa đen. Nghĩa bóng lại càng không. Vỡ, thủng là vứt. Chẳng làm gì thêm. Nhiều khi vứt chỉ vì chán chứ không hư hỏng gì cả. Lại còn vứt giữa đường cả những hàng hiệu đắt tiền mới toanh đang mặc trên người như trong clip “Yêu anh đi, khi chia tay anh không đòi quà”.
Ở chương trình “Những kỷ lục kỳ quặc” phát sóng trên TV người ta còn thi nhau cuộn bằng tay không chiếc chảo nhôm chống dính mới tinh để thành ra một đồ phế thải vứt đi. Phá hoại đã chiếm chỗ của hàn gắn.
Thế nhưng việc hàn gắn vẫn còn khá nhiều đất sống. Các chuyên gia khảo cổ miệt mài năm tháng hàn gắn những mảnh vỡ mong tìm lại vẻ đẹp nghìn xưa. Tìm lại được cả những tập tục dị đoan nguyên thủy. Trong quan niệm của người xưa hình như không có chuyện hàn gắn mà ngược lại. Những đồ tùy táng thường bị đập vỡ theo suy luận đồ vật chết sẽ được dùng cho người chết.
Những tay buôn đồ cổ kém lương thiện có kỹ thuật hàn gắn đồ gốm sứ hết sức điêu luyện. Dân sành chơi cũng mắc lừa mua phải đồ vỡ như thường. Quan sát bằng mắt thường dĩ nhiên không thể biết. Gõ vào món đồ kiểm tra cũng thấy âm vang như đồ lành.
Việc hàn gắn phi vật thể được quan tâm hơn bao giờ hết. Các quốc gia thù địch hàn gắn lại quan hệ ngoại giao sau chiến tranh. Đó là thứ cả hai bên chung sức đập vỡ ra để hàn gắn lại. Những “thợ hàn” kiểu này thỉnh thoảng được tặng giải thưởng Nobel Hòa bình. Hàn gắn hôn nhân còn được đưa vào quy định của tòa án. Phải qua mấy lần hòa giải thì vợ chồng mới được chia tay. Những rạn nứt hôn nhân muôn hình muôn vẻ. Nhiều cặp đôi phải hàn đi gắn lại nhiều lần. Có người chịu đựng cả những suy sụp đổ vỡ thân thể và tinh thần chỉ để hàn gắn với người kia?
Lành nào rồi cũng đến lúc vỡ. Hàn gắn vì thế là việc duy nhất muôn năm.
2-2014
ĐỖ PHẤN