Muốn về đích trước, TPHCM phải đầu tư bứt phá lĩnh vực khoa học - công nghệ

Ngày 14-8, Thành ủy TPHCM tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ TP góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TPHCM. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.
Muốn về đích trước, TPHCM phải đầu tư bứt phá lĩnh vực khoa học - công nghệ

Ngày 14-8, Thành ủy TPHCM tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ TP góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TPHCM. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.

Đánh giá cao vai trò và đóng góp của TPHCM cho cả nước, góp ý tại hội nghị, nhiều đại biểu có cùng ý kiến khi cho rằng để TPHCM tiếp tục là đầu tàu và “về đích” trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải đầu tư bứt phá cho khoa học - công nghệ (KH-CN) và chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tương ứng trên tinh thần tận dụng tối đa nội lực và dám xé rào, đột phá tháo gỡ những cơ chế, chính sách chưa hợp lý, chưa hoàn thiện.

Tận dụng bài học thời kỳ xé rào, đổi mới

Đánh giá cao vai trò của KH-CN, phát biểu đề dẫn đặt hàng các trí thức, chuyên gia góp ý cho dự thảo văn kiện của TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng cho biết, trong nhiệm kỳ tới, TPHCM xác định tập trung phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh. Từ các cuộc góp ý, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định tách riêng KH-CN là một mục riêng với mục tiêu thúc đẩy KH-CN phát triển, để việc đổi mới sáng tạo thấm sâu vào đời sống xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của TP.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng, xu hướng chính là nhà nước bỏ ra 1 đồng thì phải thu hút được 3, 4 đồng của xã hội, của doanh nghiệp đầu tư vào KH-CN, đến nay TPHCM vẫn chưa làm được điều này. Do đó, TP mong muốn các ý kiến góp ý sâu hơn cho phát triển KH-CN của TP, trong đó tập trung về chính sách cho khoa học; giải pháp để thu hút các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; kết nối giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất làm sao để đưa ra thị trường, áp dụng vào cuộc sống.

Theo NGND-GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật, cần phải đặt thành tựu của TPHCM qua 30 năm đổi mới trong tương quan so sánh với các TP lớn trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur... để có bước đi thích hợp hơn. Theo ông, thành tựu của 30 năm rất nhiều nhưng so với các TP xung quanh khu vực thì lại không nhiều lắm và chất lượng tăng trưởng của TP chưa bền vững. Chưa kể, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cả nước nói chung, trong đó có TP vẫn chưa cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, để ngang hàng được các TP lớn trong khu vực, TPHCM cần tận dụng cho được nguồn nội lực năng động, sáng tạo và dựa vào kinh tế tri thức. Bởi số lượng nhà KH-CN ở TP không nhiều, song lại luôn đi đầu về ý tưởng, thành tựu trong ứng dụng KH-CN.

Có cùng ý kiến, PGS-TS Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học, cũng cho rằng cần tận dụng cho được những bài học của thời kỳ xé rào, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như trước để bứt phá vươn lên. Ông cũng lưu ý TPHCM phải tận dụng mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực chất xám của trí thức kiều bào, đồng thời đưa ra những chính sách mạnh mẽ sử dụng chất xám của đội ngũ này. Trong hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài, với hơn 450.000 chuyên gia, trí thức, số người về nước đóng góp cho Việt Nam còn quá thấp, mới chỉ đạt 1%.

PGS-TS Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Còn PGS-TS Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật nhấn mạnh, TPHCM cần có giải pháp huy động doanh nghiệp xã hội tham gia đổi mới công nghệ mạnh mẽ hơn nữa. Cần minh bạch hóa thủ tục liên quan đến chính sách ưu đãi về KH-CN để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngày 29-8: Bộ Chính trị cho ý kiến dự thảo Văn kiện đại hội Đảng bộ TPHCM

Nhiều ý kiến bày tỏ kỳ vọng các mục tiêu, chính sách phát triển của TPHCM cần phải hướng nơi đây trở thành một đô thị sống tốt, thể hiện qua môi trường chính trị và quản lý nhà nước, môi trường kinh tế, môi trường văn hóa xã hội, môi trường y tế và giáo dục, hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị khác cũng như môi trường tự nhiên.

PGS-TS Mạc Đường, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật, góp ý chất lượng cuộc sống không thể hiện ở việc con số tăng trưởng càng cao càng tốt mà phải lấy người dân làm trung tâm, mọi chỉ tiêu phát triển mang tính bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn liền với chất lượng cuộc sống của người dân. Một điểm mà ông lưu ý nữa là phải đầu tư phát triển biến huyện Cần Giờ trở thành trung tâm kinh tế biển, vùng kinh tế sinh thái biển của TP.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng với góc nhìn của “người trong cuộc” của các nhà khoa học, chuyên gia và khẳng định TP sẽ nghiên cứu, tiếp thu một cách tối đa các ý kiến này. Chia sẻ với các đại biểu, đồng chí Lê Thanh Hải trăn trở, cho rằng cách đây 30 năm, nền công nghiệp của Việt Nam là phát triển từ thiếu đói cho đến đủ ăn và xuất khẩu thì ngoài tác động của KH-CN, cái gốc của vấn đề là ở chỗ cơ chế, chính sách. Giờ để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì có phải gốc vấn đề cũng chính là từ cơ chế, chính sách? Đây cũng là vấn đề mà Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng sắp tới đây đặt ra là phải có động lực cho sự phát triển. “Rất mong các nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân TPHCM tiếp tục đóng góp để TP phát triển trong giai đoạn sắp tới, sẽ là gì”, đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Thanh Hải cho biết, theo kế hoạch đến ngày 29-8, Bộ Chính trị sẽ nghe Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM báo cáo dự thảo Văn kiện trong đại hội chuẩn bị cho 4 Đảng bộ mà Bộ Chính trị sẽ nghe, góp ý trực tiếp là Hà Nội, TPHCM, Công an và Quân sự. Sau khi tiếp thu các chỉ đạo của Bộ Chính trị, TPHCM sẽ hoàn chỉnh lại và đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Hồng Hiệp

>> “Chiếc áo” cơ chế đã quá chật với TPHCM

Tin cùng chuyên mục