Dù những ngày này biển động mạnh do áp thấp nhưng nhiều làng chài Nam Trung bộ vẫn có những ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản. Với nhiều người, đó là sự bất an, nhưng ngư dân thì nghĩ ngược lại.
Biển động, chợ vẫn đầy cá
Mùa này thời tiết ở Nam Trung bộ mưa nhiều, lũ về khắp nơi. Ở các vùng biển thì sóng dữ dồn dập, có những cơn sóng quá đầu người. Ấy vậy mà ngư dân các làng chài vẫn tranh thủ mùa biển động để ra khơi. Tại chợ cá thuộc cảng cá Vĩnh Lương (Nha Trang, Khánh Hòa) từ sáng sớm đến chiều tối, tàu thuyền đánh cá vẫn cập cảng đều đặn, mang theo hàng chục tấn hải sản các loại. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiệu, chủ một tàu cá 200CV vừa cho tàu cập bến, lập tức có gần chục lái buôn áp sát mạn tàu. Anh Hiệu cho biết, anh đi biển chiều hôm qua, rạng sáng nay đã cập cảng, mang theo hơn 5 tạ cá hố và cá nhòng. Do đi về trong đêm, nên chắc chắn cá đảm bảo độ tươi ngon, lắm người tranh mua. Đã thế, do mùa biển động nên hải sản khan hiếm, vì thế mà giá cá hố, cá nhòng đã tăng gấp đôi, 60.000 đồng/kg. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi tàu chưa cập bến, hàng chục thương lái đã điện thoại liên tục để giành mua được cá. Theo anh Hiệu, sau khi trừ chi phí các khoản, ước chuyến biển này anh lãi ròng hơn 25 triệu đồng. Tính ra mỗi lao động trên thuyền cho thu nhập hơn 8 triệu đồng/người.
Lao động tại cảng Hòn Rớ bốc xếp cá khai thác từ mùa biển động lên bờ
Mùa mưa lũ năm nay, cá vẫn đủ cung ứng cho thị trường. Theo Ban Quản lý cảng cá Vĩnh Lương, bình quân mỗi ngày có cả chục tấn hải sản được đưa về cảng. Đây là nguồn cung chính cho Nha Trang và các huyện lân cận. Sáng 7-11, chúng tôi có mặt tại cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ - cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang), tàu thuyền các tỉnh Nam Trung bộ vẫn cập bến đều đặn. Không chỉ có tàu thuyền đánh bắt ven bờ mà còn có các tàu cá đánh bắt ở các vùng lộng (cách bờ khoảng 8-10 hải lý) cùng mang theo hàng tấn cá ngừ sọc dưa, cá thu ngừ, cá hố… Theo ghi nhận của PV, các chuyến biển gần đây, bà con ngư dân trúng đậm hơn tháng trước đó do luồng cá di chuyển nhiều sau khi có bão, áp thấp xuất hiện. Ông Đỗ Văn Rân (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá số hiệu BĐ-96614-TS, cho biết tàu ông vừa cập cảng Hòn Rớ mang theo hơn 1 tấn cá ngừ sọc dưa sau 10 ngày đánh bắt ở vùng lộng, trong thời điểm có áp thấp. Nhưng bù lại, chuyến biển này ông Rân thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. 5 lao động trên tàu cũng có thu nhập 20 triệu đồng sau một tuần làm việc.
Kinh nghiệm mùa biển chướng
Vào thời điểm tháng 10 đến cuối năm, các tỉnh miền Trung thường xuyên hứng chịu hàng loạt cơn bão, áp thấp. Đối với nhiều người, thời điểm này ngư dân ra khơi là đầy rủi ro. Tuy nhiên, với những ngư dân sống lâu năm ở các làng chài thì đó là cơ hội tốt để hái “lộc biển”. Ngư dân Lê Đình Tuấn ở làng chài Vĩnh Lương (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, từ cuối tháng 9 đến nay, tuy biển động liên tục nhưng anh chưa một ngày ngừng ra khơi. Khi được hỏi, ra khơi mùa này nguy hiểm, có thể đánh cược với số phận, anh Tuấn nói: “Mình chỉ đi cách bờ chừng vài hải lý. Biển Khánh Hòa kín gió bởi có hàng trăm đảo đá lớn nhỏ che chắn, nên dù gió có mạnh ở ngoài khơi, khi vào đến gần bờ cũng giảm đi nhiều. Nắm được đặc điểm đó nên ngư dân ở đây vẫn ra khơi”.
Không chỉ có những chiếc tàu công suất nhỏ khai thác cá mùa biển động ở ven bờ, mà những tàu công suất 400CV trở lên cũng vươn khơi hàng trăm hải lý để đánh bắt cá ngừ đại dương. Tàu cá số hiệu KH-97878-TS của ngư dân Đặng Tám (xã Phước Đồng, Nha Trang) vừa trở về vùng biển Trường Sa trong mùa biển động. Ông Tám ra khơi từ giữa tháng 10, dù vào thời điểm này bão số 7 đang hình thành. Chuyến biển này tàu ông đánh bắt quanh một số đảo Đá Đông, Đá Lát… thuộc vùng biển Trường Sa. Sau hơn nửa tháng đi biển, ông câu được 40 con cá ngừ đại dương, hơn 1,3 tấn. Do thời điểm này giá cá ngừ tăng 20%, tàu ông lãi hơn 200 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết, mùa biển động ngư dân đánh bắt được nhiều cá nên tàu nào ra khơi đều có lãi, nhiều ngư dân ra khơi là điều dễ hiểu. Mấy ngày qua, dù áp thấp ảnh hưởng đến Nam Trung bộ nhưng có cả trăm tàu cá khu vực này ra khơi. Chỉ vài ngày tới, hàng chục tàu câu cá ngừ đại dương sẽ cập cảng. Nói về việc ra khơi mùa biển động đầy rủi ro, ông Tám cho biết: Hiện nay kênh thông tin dự báo bão rất đa dạng, khá chính xác, ngư dân không ra khơi chỉ bằng kinh nghiệm nên độ an toàn cao. Trong trường hợp đánh bắt xa bờ mà gặp gió lớn, biển động dữ dội không như dự báo, các tàu cá cũng có đủ thông tin, thời gian để chạy đến các âu tàu neo đậu gần nhất đã được xây dựng ở Trường Sa để trú tránh.
Còn theo ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, thông thường khi có sự thay đổi về thời tiết thì ngư dân sẽ đánh được nhiều cá hơn. Bởi theo kinh nghiệm của ngư dân kể lại, cứ khi có áp thấp, có bão thì các đàn cá lại tìm cách di chuyển. Đúc kết được những kinh nghiệm đó, nên ngư dân thường đón các luồng cá di chuyển nên vẫn ra khơi.
KHÁNH NGÂN