Dọc tuyến đường Hoàng Sa (Đà Nẵng), ngay từ sáng sớm, các hộ dân ở các phường ven biển Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông thuộc quận Sơn Trà đã đem phơi ruốc. Người dân tận dụng những khoảng vỉa hè ít người qua lại, trải những tấm bạt, lưới để phơi ruốc khô, mắm ruốc; bên cạnh là ruốc khô được trưng bày để bán.
Bà Nguyễn Thị Chín (phường Thọ Quang) cho biết, mùa này người dân ven biển thu hoạch rất nhiều ruốc nên ngư dân nơi đây chế biến thành như ruốc khô, mắm ruốc để bán ra thị trường. Khác với trước đây, người mua ruốc hiện nay không phải du khách mà hầu hết là người dân bản địa. Ruốc khô chế biến được nhiều món ăn, dễ cất trữ lâu ngày. “Ruốc khô với giá bán dao động từ 140.000 - 200.000 đồng/kg. Người mua bây giờ hầu hết là người dân địa phương. Họ mua về trữ rồi lấy ra chế biến thành nhiều món ăn để đỡ đi chợ trong mùa dịch” bà Chín chia sẻ.
Theo ngư dân Mai Văn Cần (phường Thọ Quang), ngư dân thường ra biển từ chiều hôm trước và xúc ruốc thâu đêm chừng 3-5 giờ sáng ngày hôm sau là trở về. Ruốc được ngư dân chở bằng những chiếc thúng nhỏ, đưa vào bãi ngang trên đường Hoàng Sa thuộc phường Thọ Quang để kịp bán vào sáng sớm. “Ruốc biển bán rất chạy, có bao nhiêu người dân và thương lái mua hết bấy nhiêu” ông Cần cho biết.
Ruốc tươi còn được người dân đem về xay và chế biến thành mắm ruốc. Trung bình cứ 2kg ruốc tươi chế biến được 1kg mắm ruốc, có giá bán từ 80.000 - 100.000/kg. Mấy tháng nay, bà Lê Thị Em (phường Thọ Quang) phơi ruốc làm mắm thuê với 300.000 đồng/ngày. “Chở ruốc từ tàu về, chúng tôi phải lựa những con cá tạp ra khỏi ruốc, rửa thật sạch, để ráo nước rồi mang đi phơi. Cứ khoảng 4-5 tiếng đồng hồ thì đảo mặt ruốc. Đối với mắm ruốc, ruốc sau khi rửa sẽ được xay nhuyễn với muối phơi từ 2-3 đêm. Mắm ruốc phơi càng lâu thì mắm càng chua, đặc sệt vị biển”, bà Em kể.
Bà Nguyễn Thị Liên (phường Mân Thái) cho hay, gia đình làm nghề ruốc 3 đời nay. Mùa dịch, con cái trong nhà đều tạm nghỉ việc nên chuyển sang giúp bà gia công ruốc và giao hàng tận nơi. “Tôi cố gắng làm nghề này chỉ để không muốn nghề này bị thất truyền. Con tôi không có đứa nào chịu học nghề này vì cực nhọc và bấp bênh. Khi nhiều người mất việc thì nghề làm ruốc lại giúp nhà tôi vượt qua những ngày khó khăn này”, bà Liên nói.