Theo quyết định của UBND TPHCM vào năm 2009, toàn TP có 160 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ buôn bán hàng hóa và 73 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND TP dự thảo quyết định điều chỉnh các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ buôn bán hàng hóa và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí trên địa bàn TP.
Đối với các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, sở đề xuất bỏ 71/160 tuyến và bổ sung mới 8 tuyến. Sở cũng đề xuất bỏ 112/112 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh buôn bán hàng hóa, tức không chấp thuận việc sử dụng vỉa hè vào mục đích này. Căn cứ đề xuất là do một số tuyến đường có lưu lượng xe tăng nhiều so với trước đây nên việc đậu xe như hiện nay sẽ gây ùn tắc giao thông.
Sự kiên quyết của chính quyền thành phố trong việc hủy bỏ sử dụng các vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh làm không ít người gặp khó trong việc mưu sinh hàng ngày. Nhưng họ chỉ là số ít và việc hy sinh quyền lợi cá nhân phục vụ cho lợi ích của xã hội là cần thiết. Từ khi nhiều tuyến đường bãi bỏ việc cho ô tô đậu lòng lề đường, việc đi lại đã thông thoáng hơn, giảm bớt nạn ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Vỉa hè thông thoáng đã tạo nên nét văn minh cho đô thị.
Dẹp bỏ chiếm dụng lòng lề đường đã cho kết quả bước đầu khả quan, nhưng phía sau việc làm này là những suy tư. Cấm đậu xe lòng lề đường người có xe biết đậu xe ở đâu mỗi khi đến cơ quan làm việc, biết đậu xe ở đâu mỗi khi vào trung tâm thành phố mua sắm, gặp gỡ đối tác? Không lẽ, cứ phải cho xe chạy lòng vòng tìm chỗ đậu? Rồi những người bán hàng rong, sửa xe, bán quần áo sẽ đi đâu?
Nên chăng, cần có quy hoạch phân loại các khu vực vỉa hè trong đô thị: có khu vực vỉa hè tuyệt đối không cho phép buôn bán lấn chiếm vỉa hè và có biện pháp xử lý chế tài rất nặng, ưu tiên hoàn toàn cho bộ hành và cây xanh, cảnh quan, có khu vực vỉa hè cho phép bố trí hoạt động kinh tế nhỏ (như quầy sách báo, điểm vá xe, nơi bán tạp hóa…), đậu xe máy và có thể cả ô tô (trường hợp vỉa hè lớn) với quy định và hướng dẫn rõ ràng về tổ chức mặt bằng, không gian và cả quy chế về kinh tế, tài chính (thuế, phí sử dụng vỉa hè…).
Với những tuyến phố đặc biệt như phố đi bộ, “kinh tế vỉa hè” có thể cần được khuyến khích một cách có quy hoạch, có kiểm soát, xem đó như là hỗ trợ cho cư dân thành thị mưu sinh, giúp xây dựng bản sắc tuyến phố, tạo bộ mặt sinh động cho đô thị, trở thành một “đặc sản” cho du lịch. Đối với các dãy nhà phố hiện hữu dọc theo các trục đường, trước mắt có thể tiến hành chỉnh trang mặt tiền cho đồng bộ về đường nét và màu sắc; với các dãy phố có vỉa hè nhỏ hoặc không có vỉa hè, có thể mở một hành lang đi bộ nằm ngay mặt tiền tại tầng trệt của các dãy phố này. Các hoạt động “kinh tế vỉa hè” cần được quy hoạch cụ thể trên từng đoạn phố.
Băn khoăn, ưu tư là thế, nhưng vẫn không thể không làm vì một thành phố văn minh, sạch đẹp và an toàn. Trong khó khăn chung, vẫn có thể tìm thấy những lối ra cho người lao động nghèo có chỗ làm ăn mới… Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những giải pháp hợp lý đem lại thay đổi tích cực cho cả hai phía: văn minh đô thị và cuộc sống mưu sinh của người lao động.
Thái Bình