Mỹ có nguy cơ chệch mục tiêu cắt giảm khí thải

Quyền lực dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng bị thu hẹp, đe dọa khả năng Mỹ không thể đạt mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối năm 2030. Bên cạnh đó, áp lực về giá nhiên liệu tăng buộc Tổng thống Mỹ cho phép hoạt động trở lại các giàn khoan dầu ngoài khơi.
Giàn khoan dầu khí Perdido của Mỹ tại vịnh Mexico
Giàn khoan dầu khí Perdido của Mỹ tại vịnh Mexico

Hậu quả có thể rất nghiêm trọng

Sau quyết định của Tòa án tối cao hôm 1-7, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) sẽ có ít quyền hạn hơn trong việc hạn chế khí thải CO2 từ các nhà máy điện, một trong những nguồn chính gây ô nhiễm. Theo New York Times, ông Biden gọi phán quyết này là “quyết định tàn khốc nhằm mục đích đưa Mỹ đi ngược lại xu thế cắt giảm khí thải”.

Theo Tổng thống Mỹ, đa số chánh án bảo thủ trong Tòa án tối cao đang đứng về phía “những lợi ích đặc biệt” nhằm tước bỏ quyền hít thở không khí sạch của người dân. Ông Biden tuyên bố: “Tôi vẫn sẽ hành động. Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục sử dụng cơ quan hành pháp hợp pháp, trong đó có EPA để giữ cho không khí của chúng ta trong sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Theo một số chuyên gia, sau quyết định của Tòa án tối cao, về mặt logic, ông Biden sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình. Ông David G. Victor, chuyên gia về chính sách khí hậu tại Đại học California, San Diego, cho biết, tại thời điểm này, ông không thấy có cách nào để đạt được mục tiêu mà Nhà Trắng đã đặt ra. Hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Tổng thống Joe Biden đã phải đối mặt với liên tiếp các trở ngại trong quá trình thúc đẩy hành động vì khí hậu, từ xung đột trong nội bộ đảng Dân chủ đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra, cho đến những thách thức pháp lý liên quan đến các tập đoàn và cả ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch tài trợ chính cho đảng Cộng hòa.

Trọng tâm trong kế hoạch khí hậu của tổng thống - luật thay thế các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân, đã bị xóa khỏi Dự luật chính sách nội địa ở Thượng viện vào năm 2021, sau lá phiếu quyết định của Thượng nghị sĩ Joe Manchin, thành viên đảng Dân chủ của bang West Virginia. Ông Manchin là người được cho là có quan hệ tài chính cá nhân với ngành than.

Khai thác dầu trở lại

Ngay cả trong hành pháp, Tổng thống Biden cũng phải hy sinh chính sách cắt giảm khí thải với đề xuất cho phép 11 giàn khoan dầu - khí đốt ở vịnh Mexico và bờ biển Alaska trở lại khai thác trong vòng 5 năm tới. Nguyên nhân chính do giá nhiên liệu tăng cao gây căng thẳng cho nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng đã đấu giá thu về 22 triệu USD hợp đồng cho thuê trao quyền cho các công ty năng lượng khoan khai thác trên khoảng 285km2 ở 7 bang miền Tây.

Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên Hạ viện Mỹ, ông Raul Grijalva cho rằng các vùng đất và vùng nước của Mỹ chịu trách nhiệm cho gần 1/4 lượng ô nhiễm CO2 của nước này mỗi năm. Thêm bất kỳ doanh số cho thuê mới nào sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Bà Cynthia Sartou, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Healthy Gulf, gọi kế hoạch cho thuê ở 7 bang nói trên là “một tổn thất lớn với chính sách năng lượng của Mỹ và khí hậu toàn cầu”.

Sản lượng khai thác dầu khí trên lãnh thổ Mỹ đã tăng lên khi nền kinh tế phục hồi sau Covid-19, nhưng vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Các công ty năng lượng đã miễn cưỡng tăng cường khai thác vì thiếu công nhân và sự hạn chế từ các nhà đầu tư vì lo ngại giá nhiên liệu cao hiện nay sẽ không kéo dài. Tổng thống Biden tố cáo ngành năng lượng Mỹ cố tình không tăng sản lượng để thu lợi nhuận cao. Các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ đã báo cáo lợi nhuận tăng vọt trong quý 1-2022 với hàng chục tỷ USD cho cổ tức cho các cổ đông.

Tin cùng chuyên mục