Mỹ khai hỏa chiến tranh tiền tệ?

Đúng như dự đoán của giới phân tích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi khi phát hành thêm 600 tỷ USD để bơm vào nền tài chính Mỹ, nhằm thổi luồng sinh khí vào nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chật vật phục hồi.
Mỹ khai hỏa chiến tranh tiền tệ?

Đúng như dự đoán của giới phân tích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi khi phát hành thêm 600 tỷ USD để bơm vào nền tài chính Mỹ, nhằm thổi luồng sinh khí vào nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chật vật phục hồi.

Quyết định của FED đã khiến các nước châu Á và Mỹ Latinh lo ngại. Hãng AFP nhận định, sự kiện này nhằm làm hạ tỷ giá của đồng USD so với các đồng tiền khác trên thế giới, góp phần làm tăng trưởng xuất khẩu, tạo thêm việc làm cho người Mỹ đang thất nghiệp. Nhưng hệ quả dẫn tới sẽ là khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ trên thế giới khi các quốc gia trong đó có Mỹ luôn muốn kiềm tỷ giá đồng tiền của mình để làm lợi cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi mong manh.

Các nhà hoạch định chính sách của các cường quốc kinh tế mới nổi tại Mỹ Latinh và châu Á tuyên bố sẽ thi hành những biện pháp kiềm chế các luồng vốn đổ vào, sau khi FED thông báo sẽ in thêm hàng trăm tỷ USD cứu nền kinh tế Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoon Jeung Hyun cho biết Seoul sẽ xem xét những biện pháp kiểm soát các luồng vốn ngoại quốc, trong đó có biện pháp đánh thuế các nguồn đầu tư ngoại. Dư luận dự đoán, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ bán đồng won để kiềm chế đà tăng giá đồng nội tệ.

Kế hoạch phát hành thêm 600 tỷ USD để bơm vào nền kinh tế Mỹ khiến nhiều quốc gia châu Á lo ngại.

Kế hoạch phát hành thêm 600 tỷ USD để bơm vào nền kinh tế Mỹ khiến nhiều quốc gia châu Á lo ngại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương Brazil Guido Mantego, cảnh báo động thái trên của FED có thể dẫn đến “những biện pháp trả đũa”. Brazil đã công bố một số biện pháp kiềm chế sự tăng giá của đồng real bằng cách trực tiếp can thiệp vào các thị trường và tăng gấp đôi mức thuế đối với đầu tư nước ngoài mua trái phiếu chính phủ.

Nhật Bản cũng tuyên bố sẵn sàng can thiệp để kiềm chế đồng yên đang tăng giá, ảnh hưởng xấu tới các công ty xuất khẩu. Nhật Bản cho biết sẽ theo dõi sát tỷ giá hối đoái giữa đồng yên so với đồng USD sau quyết định của FED. Hiện tỷ giá đồng yên đang ở mức cao nhất so với đồng USD trong 15 năm trở lại đây.

Kế hoạch của Mỹ được đưa ra trước thềm Hội nghị APEC và G20, hai diễn đàn kinh tế quan trọng nhất trong năm nay. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự kiện này sẽ làm nóng các chương trình nghị sự giữa Mỹ và các quốc gia châu Á cũng như châu Âu.

Nhiều nhà phân tích và ngay cả những người ủng hộ chính sách trên đều cho rằng đợt bơm tiền khổng lồ lần này của Mỹ có thể phản tác dụng, dẫn đến hai hậu quả tai hại. Thứ nhất, đồng USD giảm có thể giúp các công ty cần bán tài sản ở nước ngoài. Chẳng hạn như khi đồng USD mất giá so với đồng euro, Ford sẽ thu về nhiều hơn khi bán ô tô ở châu Âu. Tuy nhiên, đồng USD yếu lại gây khốn đốn cho người Mỹ vì bất kỳ thứ nào được sản xuất ở nước khác cũng trở nên đắt đỏ hơn: như cam nhập từ Tây Ban Nha hay đồ chơi nhập từ Trung Quốc. Thứ hai, động thái có thể tạo ra “bong bóng” do giới đầu cơ vay tiền lãi suất thấp đầu tư nhiều vào cổ phiếu, hàng hóa và các thị trường hải ngoại, với kết quả có thể đẩy giá những tài sản này lên quá cao

THANH HẰNG

Một ngày sau khi FED đưa ra quyết định này, ngày 5-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Washington thực hiện chuyến thăm 4 quốc gia châu Á: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia. Mục đích chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường sự cam kết của Mỹ với châu Á. Đặc biệt, Mỹ mong muốn tăng cường quan hệ mậu dịch với Ấn Độ, củng cố sự hợp tác với cường quốc châu Á này để tạo một thế cân bằng với cường quốc đang nổi lên là Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng chuyến thăm sẽ mang lại các thỏa thuận thương mại giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Tin cùng chuyên mục