Mỹ: Mâu thuẫn gia tăng vì “vách đá tài chính”

Theo hãng tin AP, trong bối cảnh chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu bắt đầu có hiệu lực, các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ vừa đề xuất một kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách liên bang trong vòng 10 năm tới như một giải pháp để tránh va vào “vách đá tài chính”.
Mỹ: Mâu thuẫn gia tăng vì “vách đá tài chính”

Theo hãng tin AP, trong bối cảnh chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu bắt đầu có hiệu lực, các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ vừa đề xuất một kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách liên bang trong vòng 10 năm tới như một giải pháp để tránh va vào “vách đá tài chính”.

  • Không đạt đồng thuận

“Vách đá tài chính” ám chỉ nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt vào ngày 31-12 tới khi một loạt các đạo luật về giảm thuế tạm thời hết hạn, luật về cắt giảm chi tiêu ngân sách nhằm thu hẹp thâm hụt cũng có hiệu lực. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và một số lãnh đạo đảng Cộng hòa đề xuất tăng nguồn thu thuế thêm 800 tỷ USD, đồng thời cắt giảm 1.200 tỷ USD chi tiêu liên bang, trong đó chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ bị cắt giảm 600 triệu USD, cùng khoản thu bổ sung 200 tỷ USD từ các nguồn khác. Đảng Cộng hòa tiếp tục bảo lưu quan điểm phản đối đề xuất tăng thuế đánh vào 2% những người giàu có nhất nước Mỹ của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ đề xuất trên của đảng Cộng hòa vì cho rằng bản kế hoạch này không có gì mới. Người phát ngôn Nhà Trắng Dan Pfeiffer cảnh báo hai bên sẽ khó đạt được thỏa thuận hợp lý và cân bằng để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách nếu đảng Cộng hòa tiếp tục phản đối việc tăng thuế đối với những người thu nhập trên 250.000 USD/năm.

Cùng chung quan điểm trên, các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng cho rằng kế hoạch này là “không thể chấp nhận” vì sẽ “làm tổn thương” tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, Tổng thống B.Obama nhấn mạnh việc miễn giảm thuế đối với người giàu sẽ không giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng bằng việc cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu.

Trước đó, ngày 29-11, chính quyền Tổng thống B.Obama đã đề xuất việc tăng thuế lên 1.600 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để đổi lại việc cắt giảm chi tiêu 600 tỷ USD. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa vì họ cho rằng đề xuất trên là không cân bằng.

  • Đe dọa nền kinh tế

Mâu thuẫn phe Dân chủ với phe Cộng hòa xung quanh các chính sách tài chính và thuế đã khiến các nhà đầu tư lo ngại, đồng thời phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên đầu tuần khiến các chỉ số chủ lực đồng loạt giảm mạnh. Chốt phiên giao dịch cuối ngày 3-12 giờ địa phương (4-12 giờ Việt Nam), chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 0,47%, chỉ số Dow Jones xuống 0,46%. Chỉ số Nasdaq Composite mất 8,04 điểm, tương đương 0,27% và chốt phiên ở mức 3.002,2 điểm.

Nhân viên giao dịch theo dõi các chỉ số chứng khoán tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ.

Nhân viên giao dịch theo dõi các chỉ số chứng khoán tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ.

Theo giới phân tích, bên cạnh mối lo ngại về một giải pháp đối phó với “vách đá tài chính”, chứng khoán Mỹ cũng bị tác động mạnh trước các số liệu được Viện Quản lý nguồn cung Mỹ công bố cùng ngày. Theo đó, chỉ số sản xuất Mỹ trong tháng 11 giảm xuống còn 49,5 điểm, mức thấp nhất trong vòng gần 3 năm qua và xuống dưới mức chuẩn 50 điểm để đánh giá một nền kinh tế tăng trưởng hay suy giảm. Nền kinh tế được gọi là tăng trưởng nếu các chỉ số nói chung đạt từ 50 điểm trở lên và ngược lại.

Ủy ban ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo nếu kịch bản “vách đá tài chính” xảy ra, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị sụt giảm 3,9% và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào tình trạng suy thoái. Theo các chuyên gia phân tích, những tác động của “vách đá tài chính” sẽ không giới hạn trong phạm vi nước Mỹ mà còn lan rộng ra toàn thế giới, nhất là Khu vực đồng tiền chung châu Âu, vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, tình trạng suy giảm tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp cao. 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục